Khái quát điều kiện tự nhiên Mộc Châu + Điều kiện kinh tế xã hội
* Vị trí địa lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu Sơn La
Mộc Châu nằm ở đâu? Mộc Châu thuộc tỉnh nào?
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, nằm trên cao nguyên đá vôi vùng Tây Bắc với độ cao trung bình hơn 1.000 m so với mặt nước biển, về hướng Đông nam của tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên 2.061 km2, trải dài trên 2 huyện:
- Huyện Mộc Châu có diện tích tự nhiên là 108.166 ha, với 02 thị trấn và 13 xã.
- Huyện Vân Hồ có diện tích tự nhiên là 97.984ha, với 14 xã.
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu tiếp giáp với các khu vực:
- Phía Đông và Đông nam giáp tỉnh Hoà Bình.
- Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Yên Châu.
- Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá và nước CHDCND Lào với đường biên giới chung dài 36 km. (Trả lời câu hỏi Mộc Châu giáp nước nào?)
- Phía bắc giáp với huyện Phù Yên.
Về vị trí và mối liên hệ trong Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu Mộc Châu là khu vực có những lợi thế không nhỏ thể hiện ở những điểm sau.
Thứ nhất, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu là cửa ngõ đặc biệt quan trọng kết nối Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng thông qua quốc lộ 6, đồng thời, Mộc Châu còn có cửa khẩu Quốc gia Lóng Sập thông với tỉnh Hủa Phăn và cố đô Luông Phra Bang (Luang Prabang) của nước CHDCND Lào và xa hơn là sang các nước ASEAN như Thái Lan, Myanmar…. Đối với thủ đô Hà Nội, Lóng Sập là cửa khẩu Quốc gia sang Lào có khoảng cách ngắn nhất. Mộc Châu cách Hà Nội chỉ 180km, từ Mộc Châu sang đến cửa khẩu chỉ mất 30km nữa
Thứ hai, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu là một trong những điểm nút giao thông quan trọng trên quốc lộ 6. Từ Mộc Châu có thể kết nối thuận lợi với Sơn La, Hòa Bình, Lào, Điện Biên, Lai Châu.
Thứ ba, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm gần sân bay Nà Sản - Thành phố Sơn La với khoảng cách không quá xa (hơn 100 km) tương đối thuận tiện cho vận chuyển khách du lịch. Trong tương lai, khi sân bay Nà Sản được đầu tư nâng cấp mở rộng sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu kết nối với các thị trường du lịch trong nước, khu vực và quốc tế.
Như vậy có thể thấy, vị trí địa lý đã tạo cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu một vị thế rất đắc địa để tổ chức một trung tâm của khu vực Tây Bắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong đó có du lịch.
1.1 Điều kiện tự nhiên Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
1.1.1 Đặc điểm địa hình:
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu mang đặc trưng của địa hình vùng núi Tây Bắc, địa hình bị chia cắt mạnh nên có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng rộng lớn. Cao độ trung bình từ 800-1000m so với mực nước biển, các núi đá vôi ở đây có độ cao trung bình từ 1.100m - 1.300m, trong đó có đỉnh Pha Luông nằm ở phía Nam huyện Mộc Châu là ngọn núi cao nhất, với độ cao 1.880m. Các cao nguyên và bồn địa (hay còn gọi là đồng bằng giữa núi) làm nên yếu tố địa hình mang tính đặc thù của miền đất này, riêng cao nguyên Mộc Châu có độ cao trung bình là 1.050m.
1.1.2 Đặc điểm khí hậu:
Khu vực nghiên cứu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: Mùa đông lạnh và khô, mùa hè mát ẩm, mưa nhiều.
- Nhiệt độ không khí trung bình trong năm khoảng 18,50C.
- Lượng mưa trung bình trong năm khoảng 787mm.
- Độ ẩm không khí trung bình khoảng 85%.
Do địa hình bị chia cắt mạnh nên hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu. Khí hậu ở đây thuận lợi cho việc phát triển các cây trồng, vật nuôi vùng khí hậu ôn đới như cây công nghiệp, cây ăn quả, bò sữa….và phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng làm xáo trộn khí hậu của khu vực nghiên cứu theo chiều hướng bất lợi như: thời gian khô hạn vào mùa đông kéo dài hơn, xuất hiện lốc xoáy và mưa đá nhiều hơn. Những tác động này đã gay thiệt hại không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
1.1.3 Thuỷ văn:
Khu vực nghiên cứu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy văn sông Đà nằm tiếp giáp ở phía Đông Bắc. Sông Đà có vai trò quan trọng đối với khu du lịch Mộc Châu, nó vừa là nguồn nước mặt vừa là tuyến giao thông đường thủy thiết yếu, đồng thời sông Đà cũng có vai trò điều hòa khí hậu cho khu vực. Sông Đà có đặc điểm nổi bật là độ dốc lòng sông lớn, dòng chảy mạnh nhất là vào mùa lũ nên có tiềm năng thủy điện rất lớn.
Do địa hình chủ yếu là núi đá vôi nên nước mặt ở đây rất hạn chế, trên địa bàn có các suối chính như suối Quanh, suối Sập, suối Mon….Suối ở đây có độ dốc lớn và trắc diện hẹp nên có nhiều thuận lợi để phát triển thủy điện vừa và nhỏ.
1.1.4 Địa chất công trình:
Nhờ các vận động địa chất và địa lý, đã tạo nên hai dạng thổ nhưỡng cơ bản sau:
Đất feralit đỏ nâu phát triển trên nền phong hoá từ đá vôi (đá mẹ) tức là đồi núi, cao nguyên. Đây là loại đất tốt, có nhiều mùn, thích hợp cho các loại cây trồng khô, đặc biệt là các loại cây trồng công nghiệp như chè, cà phê… và những phiêng bãi, những đồi trọc rộng có độ dốc ít, đó là những cánh đồng cỏ màu mỡ, rất thuận lợi cho việc phát triển, chăn nuôi gia súc lớn.
Đất phù sa cổ, phân bố dọc các thung lũng, các bồn địa giữa núi hoặc các vạt nhỏ ven chân núi. Đất này tầng dày, thuận lợi về thuỷ lợi để canh tác lúa nước và cây trồng thực phẩm.
1.1.5 Địa chất thủy văn:
Do sự tích nước của hồ thủy điện Hòa Bình làm cho các khe nứt, hệ thống hang động dưới 115m hoạt động trở lại, các đới thoáng khí hoạt động mạnh hơn trước, do đó đã đẩy mực nước ngầm lên cao hơn. Tuy nhiên, nhìn chung nước ngầm của khu vực phân bố không đồng đều, trữ lượng ít, mực nước thấp, khai thác khó khăn.
Nước dưới đất trên địa bàn chủ yêu tồn tại dưới 2 dạng:
- Nước dưới đất chứa trong các kẽ nứt của đá: được hình thành do đá bị phong hoá mạnh, nước mưa ngấm qua đất dự trữ vào kẽ nứt trên bề mặt của các loại đá, nhiều nguồn nước dưới đã lộ ra ngoài thành dòng chảy, lưu lượng dao động mạnh theo mùa (từ 1 - 2 l/s đến 15l/s).
- Nước Kasterđược tàng trữ trong các hang động Kaster hình thành từ núi đá vôi. Nước Kaster thường phân bố sâu, ít vận động, các mạch xuất lộ từ nguồn Kaster thường có lưu lượng lớn, động thái không ổn định (từ vài chục lít đến hàng triệu lít).
1.2.1 Đơn vị hành chính:
- Huyện Mộc Châu có diện tích tự nhiên là 108.166 ha, với 02 thị trấn và 13 xã.
- Huyện Vân Hồ có diện tích tự nhiên là 97.984ha, với 14 xã.
1.2.2 Dân số
a. Dân số và phân bố dân cư:
Tổng dân số: của 02 huyện Mộc Châu & Vân Hồ năm 2017 khoảng 174.175người, trong đó:
- Dân số huyện Mộc Châu là 112.553 người, chiếm 65%.
- Dân sốhuyện Vân Hồ là 61.622 người, chiếm 35%.
Gồm nhiều thành phần dân tộc khác nhau: Kinh, Thái, Mường, Mông, Dao, Sinh Mun, Khơ Mú …
>>> Xem thêm: Văn hóa đặc trưng các dân tộc ở Mộc Châu, Vân Hồ
b. Phân bố dân cư:
Mật độ dân số trên phạm vi toàn KDL tương đối thấp, bình quân khoảng 83,96 người/km2, hiện tại phân bố không đều tùy theo các khu vực địa hình khác nhau.
- Mật độ dân số trung bình thị trấn Mộc Châu đạt 785 người/km2.
- Mật độ dân số trung bình thị trấn Nông trường đạt 255 người/km2.
- Tại các xã, mật độ dao động từ 29 - 126 người/km2; có 9 xã có mật độ > 100 người/km2; 9 xã có mật độ từ 50 - 100 người/km2; và 9 xã có mật độ < 500 người/km2.
c. Cơ cấu dân số:
Nam chiếm 50,28% so với tổng dân số, Nữ chiếm 49,72% so với tổng dân số. Như vậy tỷ lệ chênh lệch nam nữ không đáng kể, nam hơn nữ là 0,57%.
c. Tăng trưởng dân số:
Tỷ lệ tăng dân số trung bình của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu từ năm 2011 tới 2017 đạt 1,67%. Trong đó, tăng tự nhiên 1,22%, tăng cơ học 0,45%. Năm 2017, tỷ lệ tăng dân số trung bình 1,96%, trong đótăng tự nhiên 1,4%, tăng cơ học 0,56%.
d. Dân số đô thị:
Dân số đô thị trên địa bàn Khu du lịch quốc gia Mộc Châu là dân số của 02 thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu với tổng dân số là 39.148 người, tỷ lệ đô thị hóa 22,5%. Dân số đô thị ngày càng tăng, giai đoạn 2011-2017 tăng 1,38%, năm 2017 tăng 2,7%, đô thị đã có sức thu hút dân cư và lao động từ nơi khác đến.
1.2.2. Lao động:
Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu khoảng 95.134 người. Trong đó, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 62,98%, lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 10,03%, lao động khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 26,99% tổng số lao động.
2. Tình hình phát triển các ngành kinh tế:
a. Nông - lâm -ngư nghiệp:
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao và khu chuyên canh nuôi bò sữa với quy mô trên 15.000 con, khu trồng chè với quy mô 1.780 ha và đang phát triển mạnh sang địa bàn xã Tân Lập, Phiêng Luông.
Chè: Loại cây đặc trưng của cao nguyên Mộc Châu, không chỉ là một loại cây trồng đặc sản, chè còn là sự kết tinh của truyền thống văn hóa nông nghiệp ở Mộc Châu và được coi là một trong những đặc sản quý nhất của cao nguyên Mộc Châu. Ngoài ra cảnh quan đồi chè cũng là một nét đặc trưng của Mộc Châu và là điều kiện thuận lợi để phát triển các tour du lịch sinh thái nông nghiệp.
Bò sữa: Loài vật nuôi phổ biến nhất ở đây, cùng với chè từ lâu đã trở thành biểu tượng của cao nguyên Mộc Châu.
Bên cạnh đó, Mộc Châu còn hình thành khu chuyên canh hoa, quả với quy mô lên tới 100 ha như đào, mận, hoa... mang lại thu nhập khá cho doanh nghiệp, dân cư.
Đối với thủy sản: với tiềm năng thế mạnh trong phát triển thủy sản, trong thời gian vừa qua, địa phương đã phát triển mạnh nuôi cá bè, cá lồng và dịch chuyển phương thức nuôi bán thâm canh sang thâm canh tạo năng suất.
b. Công nghiệp - Xây dựng:
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của 02 huyện Mộc Châu, Vân Hồ còn nhỏ bé. Tập trung ở ngành chế biến chè, sữa, khai thác làm VLXD (đá, cát), sản xuất điện năng (thủy điện nhỏ).
c. Thương mại - dịch vụ:
Hoạt động thương mại của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu ngày càng hiệu quả, hàng hóa đa dạng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Các mặt hàng chính sách thiết yếu được đảm bảo, giá cả ổn định, thị trường không ngừng được mở rộng nhất là thị trường nông thôn; Hệ thống chợ trung tâm 2 thị trấn và mạng lưới buôn bán trao đổi hàng hoá tại các trung tâm xã, các cụm dân cư nông thôn phát triển khá mạnh mẽ, phục vụ tốt các hoạt động trao đổi hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản của nhân dân tại khu trung tâm và các xã trong khu vực.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ thương mại tăng mạnh.
Số hộ kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ ăn uống tăng nhanh, các mặt hàng phục vụ đa dạng hơn, các quầy hàng tư nhân ở các khu trung tâm các tụ điểm dân cư được hình thành và mở rộng, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trao đổi hàng hoá của nhân dân.
Thế mạnh của vùng Mộc Châu chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp như ngô, chè, sữa. Trong đó, ngô là một trong những sản phẩm có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào thiểu số. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều chưa được chế biến thành các sản phẩm mang giá trị hàng hóa cao hơn.
d. Du lịch Mộc Châu
- Khách du lịch bước đầu tăng trưởng với tốc độ khá cao, đạt gần 20%/năm đối với khách quốc tế và hơn 25%/năm đối với khách nội địa. Doanh thu du lịch cũng từng bước tăng nhanh góp phần tăng dần tỷ trọng của du lịch trong GDP.
- Bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên môn hóa cao, góp phần nâng dần chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về du lịch.
- Du lịch đã nhận được sự quan tâm đầu tư từ nhà nước, đồng thời hoạt động đầu tư được thực hiện theo đúng bài bản, tạo thuận lợi lớn cho nhà đầu tư.
- Mộc Châu đã bắt đầu thu hút được các nhà đầu tư nghiên cứu tìm hiểu để tiến hành đầu tư. Đây là một trong những thành công không nhỏ từ những nỗ lực đầu tư phát triển du lịch của Mộc Châu trong thời gian qua.
- Du lịch cộng đồng đã được nhà nước và một số nguồn vốn khác quan tâm đầu tư và bước đầu đã hỗ trợ khá tốt cho cư dân tại bản làng dân tộc thiểu số.
- Số lượng khách đến Khu du lịch quốc gia Mộc Châu năm 2017: 1.230.000 lượt khách. Trong đó:
+ Khách nội địa: 1.170.000 lượt khách, chiếm khoảng 95% tổng lượt khách;
+ Khách quốc tế: 60.000 lượt khách, chiếm khoảng 5%tổng lượt khách.
- Thời gian lưu trú: Khách du lịch đến Mộc Châu thường lưu lại 2 ngày, 1 đêm vào các dịp nghỉ cuối tuần; đối với khách nước ngoài thường lưu lại từ 3 ngày trở lên, chủ yếu tại các bản du lịch cộng đồng; lượng khách nghỉ lại chiếm khoảng 75% tổng lượng khách đến.
- Cơ sở lưu trú trong Khu du lịch quốc gia mộc Châu: Năm 2017 toàn khu du lịch quốc gia Mộc Châu có 158 cơ sở lưu trú.
Trong đó:
+ Huyện Mộc Châu: có 150 cơ sở lưu trú (1 resort, 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn 2 sao) với tổng số 1.427 phòng, 2.879 giường và trên 300 cơ sở phục vụ ăn uống, cùng nhiều cơ sở vui chơi, giải trí.
+ Huyện Vân Hồ: có 8 cơ sở lưu trú với 112 phòng, 200 giường, 20 nhà hàng phục vụ ăn uống.
Xem thêm: Danh sách nhà nghỉ, khách sạn tại Mộc Châu, Vân Hồ
- Doanh thu du lịch: Chủ yếu là từ các dịch vụ phục vụ khách du lịch như ăn uống, lưu trú doanh thu về du lịch năm 2017 đạt khoảng 1.058 tỷ đồng, bình quân chi tiêu 1 khách du lịch khoảng 900.000 đồng.
*****Trong những năm qua Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã có bước phát triển tăng trưởng nhanh cả về số lượng và doanh thu, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, các sản phẩm, dich vụ du lịch ngày càng phong phú; chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng lên.Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, cần phải giải quyết tốt mối liên kết giữa phát triển du lịch với: Vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển các ngành kinh tế đảm bảo hài hòa trong quá trình phát triển.
(Trích THUYẾT MINH TỔNG HỢP QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU DU LỊCH QUỐC GIA MỘC CHÂU, TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2030)
Bài viết liên quan
KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI
Ngày 3-4-2015, tại Mộc Châu sẽ long trọng diễn ra Lễ công bố khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. BQL Khu du lịch Mộc Châu sẽ đăng tải nội dung BÁO CÁO TÓM TẮT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU...
TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA MỘC CHÂU
Giới thiệu, phân tích, đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch của Mộc Châu
QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KDLQG MỘC CHÂU (ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030)
Giới thiệu quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch QUốc Gia Mộc Châu
CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
Giải pháp tổ chức và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu