KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI
Ngày 3-4-2015, tại Mộc Châu sẽ long trọng diễn ra Lễ công bố khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. BQL Khu du lịch Mộc Châu sẽ đăng tải nội dung BÁO CÁO TÓM TẮT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA MỘC CHÂU, TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 để đông đảo du khách và nhà đầu tư có thêm thông tin.
I. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Khái quát về điều kiện tự nhiên
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (sau đây viết tắt là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu) nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu (mới) và Vân Hồ (sau đây gọi tắt là vùng Mộc Châu) được tách ra từ huyện Mộc Châu (cũ) theo Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 10/6/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Châu để thành lập huyện Vân Hồ thuộc tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên vùng Mộc Châu: 206.150 ha.Địa hình mang đặc trưng của huyện miền núi Tây Bắc, bị chia cắt mạnh có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng rộng, độ cao trung bình từ 950 - 1050 m so với mặt nước biển, có cao nguyên rộng lớn và tương đối bằng phẳng. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh khô, mùa hè mát ẩm và mưa nhiều.
Tài nguyên nước ở khu vực này phân bố không đồng đều. Nước ngầm ở Mộc Châu và Vân Hồ tương đối ít gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.
2. Khái quát hiện trạng kinh tế - xã hội
2.1. Tổng quan tình hình kinh tế
Trong toàn tỉnh Sơn La, vùng Mộc Châu có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2013 đạt 19,74%/năm, khá cao so với mặt bằng của tỉnh Sơn La. Vùng Mộc Châu có sự phát triển khá mạnh về sản xuất chế biến sữa, chè, các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp khác và hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch tăng trưởng nhanh.Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại - Dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành Nông lâm nghiệp.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người đã có những bước tăng trưởng đáng kể, năm 2005 mới đạt 9,12 triệu đồng, đến năm 2010 đạt 16,44 triệu đồng và đến năm 2013 đạt 19,91 triệu đồng.
2.2. Hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật
2.2.1. Giao thông
a. Giao thông đường bộCác tuyến giao thông đường bộ chính quan trọng của vùng Mộc Châu bao gồm:
- Tuyến Quốc lộ 43: Hiện tại là đường cấp V, có một số đoạn đạt cấp VI, chất lượng trung bình.
- Tuyến đường từ Hua Păng đi Mường Men tới Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, kết cấu đường đất.
- Tuyến từ Vân Hồ đi Xuân Nha tới Mường Lát với tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, bề rộng 6,5m.
- Tuyến từ bản Bó Nhàng, xã Vân Hồ, huyện Vân hồ đi qua tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu là đường cấp V miền núi , chiều rộng 6m, bề mặt đường nhiều chỗ đã bị bong tróc.
- Tuyến đường Tỉnh 101 (Chiềng Khoa đi Mường Tè) đạt cấp V miền núi, một số đoạn chất lượng xấu, nhiều đoạn không đảm bảo an toàn giao thông.
- Tuyến đường Tỉnh 104 Mộc Châu đi Tân Lập là đường cấp V miền núi, hiện nhiều đoạn đã xuống cấp bong tróc lớp nhựa bề mặt.
- Tuyến Mường Sang đi Chiềng Khừa mới có 1 phần là đường cấp VI miền núi, hiện còn trên 10km đường đất chưa rải nhựa.
- Tuyến từ Quốc lộ 6 đi Chiềng Yên dài 10,326 km hiện đã hoàn thành.
b. Giao thông đường thủy
Hiện nay, hệ thống giao thông đường thủy của vùng Mộc Châu ít phát triển, hạ tầng bến bãi chưa được đầu tư nâng cấp, quy mô nhỏ. Với chiều dài trên lãnh thổ vùng Mộc Châu khoảng 79 km, Sông Đà có khả năng khai thác phát triển các tuyến du lịch trên sông nước. Tuy nhiên do đặc điểm thủy văn, sông Đà chỉ khai thác thuận lợi trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau cũng là những trở ngại trong quá trình phát triển giao thông đường thủy đặc biệt là du lịch.
2.2.2. Cấp điện
Vùng Mộc Châu hiện có mạng lưới điện Quốc gia tới 29 xã, thị trấn.2.2.3. Cấp nước
Vùng Mộc Châu có 5 trạm bơm ngầm và 112 trạm bơm nước tự chảy. Nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt ít và phân bố không đều, khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 80%, theo chương trình phát triển kết cấu hạ tầng.2.2.4. Thoát nước thải và vệ sinh môi trường
Thoát nước mặt và nước thải sinh hoạt đều thải ra suối và các hố karst. Hệ thống cống thoát nước thải mới có ở trung tâm thị trấn. Hiện nay chưa có nhà máy xử lý rác và nước thải.2.2.5. Bưu chính viễn thông
Hệ thống thông tin liên lạc của vùng Mộc Châu phát triển khá tốt, hiện nay đã có hệ thống điện thoại và viễn thông đến tất cả các xã và 100% xã được trang bị đầy đủ máy tính.2.3. Dân cư
Dân số vùng Mộc Châu năm 2013 là 163.184 người với mật độ trung bình 79 người/km2, với nhiều dân tộc khác nhau trong đó dân tộc Kinh chiếm 29,4%, Thái 33,2%, Mường 15,8%, Mông 14,6%, Dao 6,2%, Sinh Mun 0,4%, Khơ Mú 0,3%…Dân cư phân bố tại 2 thị trấn và 27 xã. Trong đó dân cư chủ yếu tập trung ở hai thị trấn, các xã còn lại dân số ít, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
2.4. Lao động
Tổng số lao động trong các ngành kinh tế của vùng Mộc Châu năm 2013 là 95.320 người chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số dân (58,41%), tốc độ tăng lao động giai đoạn 2005-2013 đạt 4,74%/năm.Trong các ngành kinh tế, nông nghiệp là ngành kinh tế chính thu hút khoảng 81% tổng số lao động, Thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 8,8% đứng thứ 2.
2.5. Tình hình văn hóa xã hội
Cùng với kết quả đạt được về kinh tế, các lĩnh vực về văn hoá, xã hội đã đạt được kết quả khá toàn diện như: đời sống vật chất, tinh thần nhân dân từng bước được cải thiện, công tác xóa đói giảm nghèo có kết quả, từng bước giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc.3. Đánh giá chung
3.1. Những thuận lợi
- Vùng Mộc Châu là khu vực có những lợi thế về vị trí địa lý với vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và khu vực đồng bằng sông Hồng trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6, đường thủy trên sông Đà, đồng thời có khả năng kết nối với các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng thông qua cửa khẩu Lóng Sập.- Không quá xa sân bay Nà Sản (với khoảng cách 100 km theo quốc lộ 6), Mộc Châu có điều kiện thuận lợi để kết nối và khai thác trực tiếp các thị trường du lịch khu vực và quốc tế.
- Vùng Mộc Châu có điều kiện khí hậu lý tưởng với nền nhiệt độ trung bình thấp hơn so với các tỉnh lân cận và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
- Vùng Mộc Châu có quỹ đất tương đối lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn.
- Mạng lưới kết cấu hạ tầng của vùng Mộc Châu khá phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông.
3.2. Những khó khăn
- Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, năng lực tái đầu tư của nền kinh tế thấp. Mạng lưới cơ sở thương mại dịch vụ đặc biệt là hệ thống trung tâm thương mại, dịch vụ, các khu vui chơi giải trí… chưa phát triển.- Các sản phẩm nông nghiệp của Mộc Châu như sữa, chè, bò, ngô, hoa quả… và các sản vật địa phương có tính độc đáo, chất lượng tương đối cao song mẫu mã đơn điệu, tính đa dạng không cao do đó chưa phát triển thành hàng hóa với quy mô lớn.
- Hệ thống xử lý nước thải và rác thải mới được phát triển ở khu vực thị trấn sẽ gây ra khó khăn không nhỏ cho quá trình phát triển du lịch.
- Dân số dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số (chiếm hơn 70% dân số) với nhiều dân tộc mặc dù tạo ra sự đa dạng về văn hóa sắc tộc song trình độ dân trí thấp sẽ là trở ngại rất lớn về mặt văn hóa, xã hội trong quá phát triển du lịch, đặc biệt là chất lượng dịch vụ.
Chất lượng lao động thấp, thiếu lao động có trình độ quản lý và lao động có kỹ năng.
BQL KHU DU LỊCH MỘC CHÂU
Bài viết liên quan
TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA MỘC CHÂU
Giới thiệu, phân tích, đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch của Mộc Châu
QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KDLQG MỘC CHÂU (ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030)
Giới thiệu quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch QUốc Gia Mộc Châu
CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
Giải pháp tổ chức và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu
Khu trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu
Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung tâm du lịch sinh thái mộc Châu tỷ lệ 1/2000 do nhà thầu tư vấn Trung Quốc thực hiện từ năm 2008 và được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định...
Khái quát điều kiện tự nhiên Mộc Châu + Điều kiện kinh tế xã hội
Mộc Châu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh khô, mùa hè mát ẩm và mưa nhiều. Mộc Châu có độ cao lớn lại nằm giữa sông Đà và sông Mã do đó khí hậu ở Mộc Châu quanh năm mát mẻ,...
Giới thiệu điểm đến
Dịch vụ
Bài viết xem nhiều
- Tân hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2023 và lượng sữa kỷ lục
- Công ty cổ phần du lịch Pha Luông – Du lịch sinh thái, kế thừa văn hoá và sự bền vững
- Những bản du lịch cộng đồng đẹp mộng mơ của Mộc Châu và Vân Hồ
- Hướng dẫn bình chọn Mộc Châu đạt giải thưởng "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới" năm 2023