QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KDLQG MỘC CHÂU (ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030)
I. QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA MỘC CHÂU ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
1. Quan điểm và mục tiêu phát triển
1.1. Quan điểm
- Phát triển Khu DLQG Mộc Châu phù hợp với các Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; các Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, du lịch tỉnh Sơn La; đảm bảo thống nhất với các Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành và lĩnh vực liên quan.- Phát huy cao nhất những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan, sinh thái và bản sắc văn hóa để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn khách du lịch; đồng thời, liên kết chặt chẽ với các khu vực trọng điểm du lịch trong tỉnh, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, các vùng khác và các nước ASEAN để hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn.
- Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, huy động mọi nguồn lực để phát triển du lịch bền vững, hài hòa với các mục tiêu phát triển về kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
1.2. Mục tiêu phát triển
1.2.1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển Khu DLQG Mộc Châu trở thành động lực phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao, nhất là các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, bản sắc văn hóa các dân tộc.1.2.2. Mục tiêu cụ thể
- Khách du lịch: Năm 2020 đón 1,25 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 10 nghìn lượt khách; năm 2030 đón 2,97 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 50 nghìn lượt khách.- Số lượng cơ sở lưu trú: Năm 2020 có 1.840 buồng; năm 2030 có 5.390 buồng.
- Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2020 đạt 1.419 tỷ đồng, tương đương 67,6 triệu USD; năm 2030 đạt 5.557 tỷ đồng, tương đương 264,6 triệu USD.
- Tỷ trọng của du lịch trong GDP địa phương: Năm 2020, du lịch đóng góp 7,5%; năm 2030, du lịch đóng góp 10,4%.
- Chỉ tiêu việc làm: Năm 2020 tạo việc làm cho 9,9 nghìn lao động (trong đó 3,1 nghìn lao động trực tiếp); năm 2030 tạo việc làm cho 29,4 nghìn lao động (trong đó 9,2 nghìn lao động trực tiếp).
2. Định hướng phát triển thị trường và sản phẩm du lịch
2.1. Thị trường du lịch
- Khách du lịch nội địa: Ưu tiên phát triển các thị trường mục tiêu: Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Sông Hồng (Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình…) và các tỉnh trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (Phú Thọ, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên...); mở rộng thị trường các đô thị lớn trong nước: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…; tiếp cận và chiếm lĩnh các thị trường mới: Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên.- Khách du lịch quốc tế: Tập trung phát triển và củng cố thị phần tại các thị trường mục tiêu truyền thống: Tây Âu (chú trọng Pháp, Đức, Anh…), Bắc Mỹ (chú trọng Mỹ, Canada), Đông Bắc Á (chú trọng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc), các nước ASEAN. Tiếp cận và khai thác các thị trường mới: Đông Âu chú trọng Nga, các nước Trung Đông, Ấn Độ…
2.2. Sản phẩm du lịch
2.2.1. Sản phẩm du lịch đặc thù
Dự trên cơ sở thị trường và tiềm năng du lịch của Mộc Châu, hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù của Mộc Châu bao gồm:- Du lịch sinh thái: Với các sản phẩm du lịch tham quan sinh thái, dã ngoại; đặc biệt chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp như các tour du lịch trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp (chè, sữa, hoa, dâu tây...).
- Du lịch văn hóa: Với các sản phẩm du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh thắng; các tour du lịch cộng đồng: Tham quan bản làng và nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số, du lịch ẩm thực..., đặc biệt chú trọng hình thức du lịch homestay; phát triển các sản phẩm du lịch gắn với lễ hội đặc thù của địa phương: Tết độc lập của người Mông, các lễ hội truyền thống...
- Du lịch nghỉ dưỡng: Với các sản phẩm nghỉ dưỡng và điều dưỡng chữa bệnh.
2.2.2. Các loại hình du lịch khác
Các loại hình du lịch khác là các loại hình sản phẩm du lịch mang tính bổ trợ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch bao gồm: Du lịch cuối tuần; du lịch MICE; du lịch vui chơi giải trí; du lịch thương mại cửa khẩu…3. Định hướng xúc tiến quảng bá du lịch
3.1. Xây dựng hình ảnh của điểm đến
Những đặc trưng cơ bản của Mộc Châu hấp dẫn khách du lịch:- "Cao nguyên Mộc Châu"
- "Chè" - loại cây đặc trưng của cao nguyên Mộc Châu và "Bò sữa" - loài vật nuôi phổ biến nhất ở Mộc Châu, cùng với "Chè" từ lâu đã trở thành biểu tượng của cao nguyên Mộc Châu.
- "Bản sắc văn hóa" độc đáo của vùng đất có sự sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc, trong đó mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa mang những đặc trưng độc đáo riêng được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống tạo ra những nét hấp dẫn khách du lịch.
3.2. Chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch
- Chú trọng xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức trong và ngoài tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại chỗ.- Đặc biệt đối với thị trường nước ngoài, Mộc Châu cần chú ý đến vấn đề tận dụng các ấn phẩm du lịch như guide book (sách hướng dẫn), các tạp chí du lịch, các kênh truyền hình… để quảng bá cho hình ảnh điểm đến của Mộc Châu.
- Các kênh xúc tiến quảng bá ưu tiên: các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện quảng bá chuyên về du lịch trong và ngoài nước, các sự kiện và hội chợ du lịch ngoài ra các kênh thông tin khác như các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước cũng được ưu tiên sử dụng.
4. Định hướng đào tạo nhân lực và giáo dục cộng đồng
a. Đào tạo nguồn nhân lực- Đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch.
- Đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho ngành du lịch.
- Nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức về du lịch của đội ngũ cán bộ.
- Thu hút nguồn nhân lực trẻ và có năng lực thông qua chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
- Chọn cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo tại nước ngoài bằng kinh phí nhà nước.
- Nâng cấp, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp du lịch.
b. Giáo dục cộng đồng
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư.
- Giáo dục bồi dưỡng những kiến thức về văn minh thương mại, văn minh du lịch.
- Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng.
5. Định hướng tổ chức không gian du lịch
Vị trí, ranh giới: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, bao gồm khu trung tâm du lịch của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và các khu, điểm du lịch vệ tinh khác. Trong đó khu trung tâm du lịch của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có diện tích 1.502 ha (thuộc địa bàn huyện Mộc Châu 920 ha và huyện Vân Hồ 582 ha), nằm trên địa bàn các xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ), xã Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ) và xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu).5.1. Trung tâm du lịch
Trung tâm du lịch chính sẽ là một cụm du lịch mang tính chất trung tâm tập trung hầu hết các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng với quy mô lớn của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đóng vai trò là điểm đến trung tâm và là nơi cung cấp thông tin cho khách du lịch cũng như cung cấp khách đến các khu, điểm du lịch vệ tinh chủ yếu phục vụ khách tham quan. Trung tâm du lịch chính của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu bao gồm: 1. Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; 2. Trung tâm Vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu; 3. Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu.1. Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu
Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu nằm trên địa bàn xã Phiêng Luông huyện Mộc Châu và xã Vân Hồ huyện Vân Hồ. Đây là khu du lịch tổng hợp tập trung các loại hình sản phẩm du lịch chính như Vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, dịch vụ, lưu trú, tham quan…. Hiện tại đây là khu chức năng đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt với diện tích 442 ha bao gồm các phân khu: Khu tiếp đón cổng vào; Khu công viên hồ trung tâm; Khu trung tâm phục vụ tiếp đón du lịch; Khu lưu trú du lịch; Khu nghỉ mát công viên nông trang; Bản văn hoá dân tộc Thái; Khu du lịch nông thôn dân tộc (du lịch đa dân tộc); Khu cảnh quan vườn chè sinh thái; Khu du lịch đồng cỏ; Khu vườn thực nghiệm cây ăn quả ôn đới; Công viên hoa chuyên đề; Khu du khách lưu danh kỉ niệm; Khu đồi biểu tượng; Khu dân cư dịch vụ.
2. Trung tâm vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu
Trung tâm Vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu nằm trên địa bàn các xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu) và xã Vân Hồ, Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ). Đây là khu chức năng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí cao cấp như: Thể thao cao cấp (đua ngựa, dù lượn, khinh khí cầu…), vui chơi giải trí đặc biệt, dịch vụ lưu trú, thương mại…. Quy mô Trung tâm Vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu khoảng 460 ha, dự kiến bao gồm các phân khu chức năng: Khu vui chơi thể thao ngoài trời; Khu thể thao cao cấp Thảo nguyên; Khu vui chơi giải trí cao cấp hồ Sao Đỏ; Khu khách sạn cao cấp; Khu tái định cư kết hợp dịch vụ.
3. Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu
Trung tâm Nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu nằm trên địa bàn các xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) và xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu). Đây là khu chức năng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như nghỉ dưỡng núi, điều dưỡng chữa bệnh… Quy mô Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu khoảng 600 ha, dự kiến bao gồm các phân khu chức năng: Khu Nghỉ dưỡng núi; Khu chẩn trị và điều dưỡng; Khu công viên Vân Hồ.
5.2. Các khu du lịch
Các khu du lịch quan trọng của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu bao gồm:1. Khu du lịch Rừng thông Bản Áng
Khu du lịch Rừng thông Bản Áng nằm trên địa bàn xã Đông Sang huyện Mộc Châu. Đây là khu du lịch tổng hợp với quy mô vừa, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch cuối tuần và các dịch vụ khác. Hiện nay đã có quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái rừng thông Bản Áng. Quy mô khoảng 62 ha, dự kiến bao gồm các hạng mục chính: Khu trung tâm; Khu làng văn hóa dân tộc; Làng du lịch sinh thái.
2. Khu du lịch Thác Dải Yếm
Khu du lịch Thác Dải Yếm nằm trên địa bàn xã Mường Sang huyện Mộc Châu. Đây là khu du lịch khai thác tiềm năng về cảnh quan của thắng cảnh Thác Dải Yếm phục vụ nhu cầu tham quan, lưu trú, nghỉ cuối tuần, sinh hoạt văn hóa của khách du lịch. Quy mô khoảng 50 ha bao gồm các hạng mục chính: Khu trung tâm dịch vụ và ngắm cảnh; Khu biệt thự du lịch; Khu vườn phong lan và cây ăn quả.
3. Khu trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập
Khu trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập nằm trên địa bàn xã Lóng Sập huyện Mộc Châu được xây dựng nhằm khai thác tiềm năng du lịch thương mại cửa khẩu Lóng Sập. Quy mô khoảng 10 ha, dự kiến bao gồm các hạng mục chính: Trung tâm thương mại cửa khẩu; Các hạng mục công trình dịch vụ khác.
4. Khu du lịch Ngũ động Bản Ôn
Khu du lịch Ngũ động Bản Ôn nằm trên địa bàn thị trấn Nông Trường Mộc Châu huyện Mộc Châu là khu du lịch tâm linh khai thác tiềm năng du lịch của di tích Ngũ động Bản Ôn, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và tham quan của khách du lịch. Quy mô khoảng 160 ha bao gồm các hạng mục chính: Khu tham quan; Khu du lịch văn hóa bản làng; Khu du lịch tâm linh; Khu đón tiếp và dịch vụ; Khu phố mua sắm.
5. Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên
Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên nằm trên địa bàn xã Chiềng Yên huyện Vân Hồ là khu du lịch khai thác các tiềm năng văn hóa dân tộc của khu vực. Quy mô khoảng 20 ha tập trung xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ đón tiếp và các dịch vụ ăn uống, lưu trú, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch.
6. Khu du lịch sinh thái rừng Pó Cốp
Khu du lịch sinh thái rừng Pó Cốp nằm trên địa bàn xã Vân Hồ huyện Vân Hồ là khu du lịch sinh thái khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái của khu vực. Quy mô khoảng 30 ha tập trung xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ đón tiếp và các dịch vụ ăn uống, lưu trú, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch.
7. Khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha
Khu du lịch sinh thái rừng Xuân Nha nằm trên địa bàn xã Chiềng Xuân, Tân Xuân, Xuân Nha huyện Vân Hồ và xã Chiềng Sơn huyện Mộc Châu là khu du lịch sinh thái khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái của khu vực. Quy mô khoảng 30 ha tập trung xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ đón tiếp và các dịch vụ ăn uống, lưu trú, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch.
5.3. Hệ thống các điểm du lịch vệ tinh
1. Các bản văn hóa dân tộc: Là các bản người dân tộc được lựa chọn để tạo thành các điểm du lịch văn hóa phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu và du lịch home stay của khách du lịch. Các bản dân tộc có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thành các điểm du lịch của Mộc Châu bao gồm: Bản Mường Khoa; Bản Nà Sài; Bản Nà Coóng; Bản Nà Bai, Bản Phụ Mẫu; Bản Áng; Bản Vặt; Bản Chiềng Đi; Bản Co Hào; Bản Pà Lè; Bản Suối Lìn; Bản Tà Phình; Bản Phiêng Cành; Bản Cà Đạc; bản Dọi, bản Pa Phách…2. Các điểm DTLS văn hóa: Là các di tích lịch sử phục vụ việc tham quan của du khách. Các di tích lịch sử có giá trị và có điều kiện thuận lợi để phát triển thành các điểm tham quan của Mộc Châu bao gồm: Chùa Vặt Hồng; Văn bia trung đoàn Tây Tiến; Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Mộc Châu; di tích lịch sử văn hóa nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ công nhân Nông Trường Mộc Châu; di tích lịch sử Văn bia Trung đoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam - Lào; Di tích lịch sử bia căm thù Khu 64; Di tích lịch sử bia căm thù Km 70; Di tích lịch sử đồn Mộc Lỵ; Đền Hang Miếng…
3. Các điểm danh thắng: Là các danh thắng tự nhiên có giá trị và có điều kiện thuận lợi để phát triển thành các điểm tham quan của Mộc Châu bao gồm: Hang Dơi (động Sơn Mộc Hương); Đỉnh Pha Luông; Hang mộ cổ; Thác Chiềng Khoa; Rừng sinh thái Pó Cốp; Hang Bãi Sậy; Thác Bản Bống; Thác Dải Yếm; Ngũ Động bản Ôn…
4. Các suối nước khoáng: Hệ thống suối nước khoáng của Mộc Châu khá đa dạng có khả năng khai thác hình thành các điểm du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh và phục vụ tham quan của Mộc Châu bao gồm: Suối Khoáng Bản Bó; Suối Khoáng Hua Păng; Suối khoáng bản Phụ Mẫu…
5.4. Hệ thống các trung tâm dịch vụ
1. Trung tâm dịch vụ gắn với thị trấn Mộc Châu: Là một trung tâm quan trọng trên quốc lộ 6 đón các luồng khách du lịch từ phía Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Trung Quốc…) và các luồng khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu Lóng Sập (Lào, Thái Lan, Myanmar…).2. Trung tâm dịch vụ gắn huyện lỵ huyện Vân Hồ trong tương lai, sẽ là trung tâm dịch vụ phía Đông đón các luồng khách du lịch từ phía Đông Nam (thị trường Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ).
5.5. Hệ thống tuyến du lịch
5.5.1. Tuyến du lịch liên Quốc gia
1. Tuyến du lịch Mộc Châu - LàoLà tuyến du lịch nối Mộc Châu với Lào thông qua cửa khẩu Lóng Sập theo quốc lộ 43. Tuyến xuất phát từ thị trấn Mộc Châu qua cửa khẩu Lóng Sập và kết nối với các điểm du lịch chính ở Lào như chiến khu Sầm Nưa (Samneua), cố đô Luông Pra Băng (Luang Prabang), cánh đồng chum….
2. Tuyến du lịch Hà Nội - Mộc Châu - Lào - Thái Lan
Phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao,…
5.5.2. Tuyến du lịch liên vùng
Là tuyến du lịch theo quốc lộ 6 kết nối Mộc Châu với Sơn La - Điện Biên - Lai Châu (ở phía Tây Bắc) và Hòa Bình - Hà Nội (ở phía đông Nam).5.5.3. Tuyến du lịch trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
Là các tuyến du lịch được hình thành trên cơ sở Khu du lịch quốc gia Mộc Châu là trung tâm kết nối đến các khu, điểm du lịch vệ tinh.1. Tuyến số 1 - TT Mộc Châu - Chiềng Khoa - Mường Men: là tuyến hình thành trên cơ sở quốc lộ 6 cũ, quốc lộ 43, tuyến đường Chiềng Khoa - Mường Men.
2. Tuyến số 2 - TT Mộc Châu - Chiềng Khoa - Hua Păng: là tuyến du lịch hình thành trên cơ sở quốc lộ 6 cũ và quốc lộ 43.
3. Tuyến số 3 - Phiêng Luông - Chiềng Khoa - Tô Múa - Mường Tè - Quang Minh: được hình thành trên cơ sở quốc lộ 6 cũ, quốc lộ 43, tuyến ĐT 101 (Chiềng Khoa - Tô Múa - Quang Minh).
4. Tuyến số 4 - TT Mộc Châu - TT Nông Trường Mộc Châu - Tân Lập: được hình thành trên cơ sở quốc lộ 6 cũ và tuyến thị trấn Nông Trường - Tân Lập.
5. Tuyến số 5 - TT Mộc Châu - Vân Hồ - Xuân Nha: là tuyến du lịch hình thành trên cơ sở quốc lộ 6, tuyến Vân Hồ - Xuân Nha.
6. Tuyến số 6 - TT Nông Trường Mộc Châu - Phiêng Luông - Lóng Luông - Chiềng Yên: hình thành trên cơ sở tuyến quốc lộ 6, tuyến Lóng Luông - Chiềng Yên.
7. Tuyến số 7 - Thị trấn Mộc Châu - Tô Múa - Suối Bàng.
5.5.4. Tuyến du lịch trên sông
Là tuyến du lịch hình thành trên sông Đà khai thác tiềm năng du lịch sông nước dọc theo sông Đà.6. Quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch
6.1. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch
6.1.1. Hệ thống cơ sở lưu trú
Các loại hình cơ sở lưu trú bao gồm:- Khách sạn loại 1 - 3 sao: Phân bố chủ yếu ở Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu, Khu du lịch Rừng thông Bản Áng, thị trấn Nông Trường và thị trấn Mộc Châu, dự kiến chiếm khoảng 15% tổng cơ sở lưu trú.
- Khách sạn cao cấp loại 4 - 5 sao: Phân bố ở Trung tâm Vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu và Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu, dự kiến chiếm khoảng 7% tổng cơ sở lưu trú.
- Biệt thự du lịch: phân bố ở Khu trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; Khu vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu; Khu du lịch Thác Dải Yếm, dự kiến chiếm khoảng 15% tổng cơ sở lưu trú.
- Các loại hình khác: Bao gồm các cơ sở lưu trú theo mô hình homestay phát triển ở các khu, điểm du lịch vệ tinh, các trung tâm dịch vụ, dự kiến chiếm khoảng 63% tổng cơ sở lưu trú.
6.1.2. Hệ thống các cơ sở vật chất kỹ thuật khác
6.1.2.1 Hệ thống cơ sở vui chơi giải trí- Hệ thống các khu vui chơi giải trí tại các khu điểm du lịch. Đặc biệt các loại hình vui chơi giải trí tập trung ở Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu (các loại hình vui chơi giải trí phổ thông) và Trung tâm vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu (các loại hình vui chơi giải trí cao cấp);
- Công viên chuyên đề tại Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu và Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu;
- Các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí ở các khu trung tâm dịch vụ;
- Khu du lịch vui chơi giải trí đặc biệt: Phát triển ở Trung tâm vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu.
6.1.2.2 Hệ thống các cơ sở phục vụ ăn uống
- Hệ thống các cơ sở dịch vụ ăn uống tập trung phát triển tại khu vực tại các khu du lịch;
- Hệ thống các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng, chợ văn hóa, du lịch phát triển ở khu vực Trung tâm dịch vụ du lịch (thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông Trường Mộc Châu).
6.1.2.3 Hệ thống các cơ sở phục vụ hội nghị, hội thảo
Hệ thống các cơ sở phục vụ hội nghị hội thảo với tổng quy mô khoảng 5.000 - 10.000 chỗ ngồi tập trung phát triển ở:
- Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu;
- Trung tâm Vui chơi giải trí Mộc Châu;
- Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu;
- Trung tâm dịch vụ thị trấn Mộc Châu;
- Trung tâm dịch vụ thị trấn Vân Hồ.
6.1.2.4 Hệ thống cơ sở phục vụ nhu cầu thể thao
- Các loại hình thể thao cao cấp phát triển ở Khu du lịch thể thao Thảo nguyên;
- Các loại hình dịch vụ thể thao khác như sân tennis, sân tập golf, bể bơi… phát triển ở các khu du lịch.
6.2. Kết cấu hạ tầng
6.2.1. Hệ thống giao thông
6.2.1.1 Giai đoạn từ nay đến 2020Các tuyến giao thông chính cần tập trung đầu tư bao gồm:
1. Tuyến Quốc lộ 43 (đi cửa khẩu Lóng Sập) được đầu tư nâng cấp đạt cấp IVMN, Bn = 7,5m, Bm = 5,5m.
2. Tuyến Quốc lộ 6 cũ: Định hướng tuyến Quốc lộ 6 cũ được cải tạo đạt cấp IVMN, Bn = 7,5m, Bm = 5,5m, đoạn qua các khu du lịch đạt tiêu chuẩn đường đô thị, mặt cắt 22,50 m.
3. Tuyến ĐT. 104 (Thị trấn Nông Trường Mộc Châu - Tân Lập - Tân Hợp): Định hướng cải tạo nâng cấp đạt cấp VMN Bn = 6,5m, Bm = 3,5m, đoạn qua thị trấn Nông Trường Mộc Châu đạt tiêu chuẩn đường đô thị, mặt cắt 22,50 m.
4. Tuyến Lóng Luông - Chiềng Yên: Định hướng cải tạo nâng cấp đạt cấp VIMN Bn = 6m, Bm = 3,5m.
5. Tuyến thị trấn Mộc Châu - Đông Sang - Chiềng Xuân: Định hướng cải tạo nâng cấp đạt cấp VMN Bn = 6,5m, Bm = 3,5m.
6. Tuyến Phiêng Luông - Vân Hồ - Lóng Luông: Định hướng cải tạo nâng cấp đạt cấp VIMN Bn = 6m, Bm = 3,5m.
6.2.1.2 Giai đoạn từ sau 2020 đến 2030
Các tuyến giao thông tập trung đầu tư bao gồm:
1. Tuyến ĐT.102 (Vân Hồ - Chiềng Sơn - QL 43) và tuyến nhánh Xuân Nha - Mường Lát: Định hướng cải tạo nâng cấp đạt cấp VMN Bn = 6,5m, Bm = 3,5m.
2. Tuyến ĐT. 101 (Chiềng Khoa - Tô Múa - Mường Tè - Quang Minh): Định hướng cải tạo nâng cấp đạt cấp VMN Bn = 6,5m, Bm = 3,5m.
3. Tuyến Quốc lộ 43 (Đoạn Phiêng Luông - Hua Păng): Định hướng cải tạo nâng cấp đạt cấp IVMN, Bn = 7,5m, Bm = 5,5m.
4. Phát triển tuyến đường thủy trên sông Đà: Tập trung đầu tư xây dựng các cảng du lịch sông Đà tại vị trí các xã Tân Hợp, Quy Hướng, Quang Minh.
6.2.2. Hệ thống kết cấu hạ tầng khác
Hệ thống kết cấu hạ tầng khác trên địa bàn huyện theo quy hoạch chung của tỉnh và huyện. Trong nội bộ từng khu du lịch được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết từng khu du lịch.7. Xác định nhu cầu sử dụng đất và vốn đầu tư phát triển du lịch
7.1. Nhu cầu sử dụng đất
Dự kiến nhu cầu sử dụng đất phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu bao gồm:- Tổng nhu cầu sử dụng đất là: 1.939 ha;
- Nhu cầu đất xây dựng các khu du lịch: 1.864 ha;
- Nhu cầu đất phát triển dịch vụ du lịch tại các trung tâm dịch vụ: 60 ha;
- Nhu cầu đất phát triển công trình giao thông phục vụ du lịch: 15 ha.
7.2. Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án ưu tiên
Nhu cầu vốn đầu tư các dự án ưu tiên là 11.970 tỷ đồng tương đương 570 tr.USD.1. Giai đoạn đến năm 2020
Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn đến năm 2020 là 3.570 tỷ đồng tương đương 170 tr.USD, tập trung vào các lĩnh vực:
- Lập các quy hoạch chi tiết các khu du lịch;
- Đầu tư các khu du lịch trong hệ thống Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gia đoạn 1 bao gồm Khu trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu, Khu du lịch Rừng thông Bản Áng, Khu du lịch Thác Dải Yếm; Khu du lịch Ngũ động Bản Ôn; Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên;
- Đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động du lịch;
- Đầu tư các điểm tham quan, mua sắm tại các bản văn hóa dân tộc giai đoạn 1;
- Các dự án hỗ trợ phát triển giai đoạn 1.
2. Giai đoạn 2021 - 2025
Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn đến năm 2021 - 2025 là 4.200 tỷ đồng tương đương 200 tr.USD, tập trung vào các lĩnh vực:
- Đầu tư các khu du lịch trong hệ thống Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gia đoạn 2 bao gồm Khu trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu, Khu trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu, Khu trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu, Khu du lịch Rừng thông Bản Áng, Khu du lịch Thác Dải Yếm; Khu du lịch Ngũ động Bản Ôn; Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên;
- Đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông còn lại;
- Đầu tư các điểm tham quan, mua sắm tại các bản văn hóa dân tộc giai đoạn 2;
- Các dự án hỗ trợ phát triển giai đoạn 2.
3. Giai đoạn 2026 - 2030
Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 là 4.200 tỷ đồng tương đương 200 tr.USD: Đầu tư các hạng mục còn lại.
7.2.2. Các nguồn vốn đầu tư chính bao gồm
1. Vốn Ngân sách: Là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: Chiếm gần 4% tổng vốn đầu tư, ước tính 442 tỷ đồng, tương đương 21 triệu USD.- Ngân sách trung ương: dành cho phát triển các dự án có vai trò quan trọng thuộc chương trình quốc gia;
- Ngân sách tỉnh: dành cho phát triển các dự án có vài trò quan trọng đối với phát triển du lịch ở Khu du lịch quốc gia Mộc Châu;
- Ngân sách huyện: dành cho các dự án mang tính chất hỗ trợ phát triển;
- Ngân sách từ các chương trình hỗ trợ của Trung ương: hỗ trợ các dự án có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch ở Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
2. Vốn xã hội hóa: Là nguồn vốn từ các nguồn ngoài ngân sách: Chiếm khoảng 96% tổng vốn đầu tư, ước tính khoảng 11.528 tỷ đồng tương đương 549 triệu USD.
- Vốn đầu tư của Doanh nghiệp trong nước: đầu tư vào các dự án đầu tư phát triển các khu du lịch;
- Vốn Đầu tư FDI: Đầu tư vào các dự đầu tư phát triển các khu du lịch do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư;
- Vốn khác: Từ các nguồn vốn khác.
Bài viết liên quan
CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
Giải pháp tổ chức và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu
Khu trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu
Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung tâm du lịch sinh thái mộc Châu tỷ lệ 1/2000 do nhà thầu tư vấn Trung Quốc thực hiện từ năm 2008 và được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định...
Khu trung tâm vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu
Khu trung tâm vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu nằm trên địa bàn các xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu) và xã Vân Hồ, Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ). Đây là khu chức năng tập trung phát triển các sản...
Khu trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu
Khu trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu nằm trên địa bàn các xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) và xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu). Đây là khu chức năng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ...
TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA MỘC CHÂU
Giới thiệu, phân tích, đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch của Mộc Châu
KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI
Ngày 3-4-2015, tại Mộc Châu sẽ long trọng diễn ra Lễ công bố khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. BQL Khu du lịch Mộc Châu sẽ đăng tải nội dung BÁO CÁO TÓM TẮT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU...
Khái quát điều kiện tự nhiên Mộc Châu + Điều kiện kinh tế xã hội
Mộc Châu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh khô, mùa hè mát ẩm và mưa nhiều. Mộc Châu có độ cao lớn lại nằm giữa sông Đà và sông Mã do đó khí hậu ở Mộc Châu quanh năm mát mẻ,...