Vài nét về lịch sử huyện Mộc Châu

I. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN MỘC CHÂU

1. Lịch sử:

Từ thời Vua Hùng dựng nước, Mộc Châu thuộc bộ Tân Hưng- một trong 15 bộ của nước Văn Lang.

Trải qua hàng ngàn năm với nhiều triều đại, Mộc Châu thuộc nhiều châu, đạo, quận khác nhau, Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, vùng đất này có trung tâm ở khu vực xã Mường Sang ngày nay, có tên cổ là Mường Mok (sương mù). Đến đời Lê (TK XV), chính thức có tên là Châu Mộc thuộc huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hóa.

Đến giữa thế kỉ XIX, nhà Nguyễn chính thức đổi tên Châu Mộc thành Mộc Châu, thuộc tỉnh Hưng Hóa và chia đất Mộc Châu thành nhiều mường nhỏ là tiền thân của các xã hiện nay, trung tâm của Mộc Châu đặt tại bản Nà Ngà, xã Mường Sang.

Từ Năm 1904, toàn quyền Đông Dương đặt Mộc Châu là một huyện thuộc tỉnh Sơn La.

2.  Điều kiện tự nhiên

2.1.  Vị trí địa lý

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trọn vẹn trên diện tích 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ,  là 2 huyện miền núi nằm trên cao nguyên đá vôi vùng Tây Bắc với độ cao trung bình hơn 1.000 m so với mặt nước biển, về hướng Đông nam của tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên 2.061 km2, tiếp giáp với các khu vực

-       Phía Đông và Đông nam giáp tỉnh Hoà Bình.

-       Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Yên Châu.

-       Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá và nước CHDCND Lào với đường biên giới chung dài 36 km (cửa khẩu Quốc gia Lóng Sập thông với tỉnh Hủa Phăn và cố đô Luông Phra Bang (Luang Prabang) của nước CHDCND Lào và xa hơn là sang các nước ASEAN như Thái Lan, Myanmar….).

-       Phía bắc giáp với huyện Phù Yên.

2.2. Địa hình

Là huyện mang đặc trưng của một huyện miền núi Tây Bắc, địa hình bị chia cắt mạnh : nhiều núi, đồi cao nhấp nhô như song lượn, nằm gối kề nhau chạy theo hướng Tây bắc- Đông Nam, xen lẫn với những vùng cao nguyện rộng lớn là những vùng bình nguyên, lòng chảo, những khe vực, suối, sông làm cho địa hình đa dạng.

Cao nguyên Mộc Châu kéo dài 80 km từ Yên Châu đến Suối Rút, bề ngang nơi rộng nhất đạt tới 25 km, có độ cao trung bình so với mặt biển là 1.050 m, các khu vực xung quanh Mộc Châu như Hòa Bình, Sơn La đều có độ cao trung bình thấp hơn so với Mộc Châu.

2.3.Khí hậu:

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh khô, mùa hè mát ẩm và mưa nhiều. Mộc Châu có độ cao lớn, lại nằm giữa sông Đà và sông Mã, do đó khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ không khí trung bình/năm khoảng 18,5 0C, lượng mưa trung bình/năm khoảng 1.560 mm. Độ ẩm không khí trung bình 85%. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Mộc Châu thấp hơn so với các khu vực lân cận như Thành phố Sơn La (21,10 0C), Hòa Bình (23,00 0C), Điện Biên (23,00 0C).

Nền nhiệt độ thấp như vậy được coi là lý tưởng ở đất nước nhiệt đới như Việt Nam, chỉ có ở các khu vực nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam như Sa Pa, Tam Đảo, Bà Nà, Đà Lạt, Bạch Mã… mới có những điều kiện khí hậu tương tự.

2.4.Thuỷ văn:

Sông Đà là sông lớn nhất và nằm giáp với huyện Mộc Châu ở phía Đông Bắc và có vai trò quan trọng đối với Mộc Châu. Sông Đà vừa là nguồn nước mặt, vừa là tuyến giao thông thủy của Mộc Châu, đồng thời sông Đà cũng có vai trò quan trọng đối với việc điều hòa tạo ra khí hậu quanh năm mát mẻ cho Mộc Châu.

Do địa hình núi đá vôi nên nước mặt ở Mộc Châu rất hạn chế, trên địa bàn huyện có 7 dòng suối chính bao gồm: suối Quanh, suối Sập, suối Tưn....

2.5. Thảm thực vật

Tài nguyên rừng Mộc Châu khá phong phú với khoảng 456 loài thực vật và 49 loài động vật hoang dã trong đó có nhiều loài quý hiếm.

Tài nguyên rừng của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có giá trị quan trọng đối với phát triển du lịch. Khu rừng đặc dụng Xuân Nha, thuộc huyện Vân Hồ với diện tích trên 12.313,6 ha có nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm có khả năng tạo thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

3. Văn hóa:

Ở 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ hiện có12 dân tộc anh em cùng chung sống, chủ yếu là người Thái, Mông, Kinh, Dao, Mường.

Các dân tộc chủ yếu sống tập trung thành những bản, mường nhỏ, cư trú xen nhau,  hòa nhập vào nhau. Nó tạo nên đặc điểm điển hình là sự giao thoa về văn hóa.

Người thái là Văn hóa thung lũng, văn hóa lúa nước, họ thường sống dọc các sông, suối, nơi có nguồn nước dồi dào. Người mông, dao gắn với văn hóa đồi gò, văn hóa lúa nương.

Nhà ở có 2 loại cơ bản là nhà sàn: các dân tộc tiêu biểu là Thái, Mường, Khơ mú, và nhà đất, các dân tộc tiêu biểu là: Kinh , Mông, Dao.

Trang phục các dân tộc, đặc biệt là nữ giới đều được trang trí cầu kỳ và đẹp mắt, nó thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người và tự nhiên: cách trang trí trên trang phục đều lấy thế giới tự nhiên làm khuôn mẫu, với một số hình ảnh như mặt trời, muông thú, cây cỏ...

Ẩm thực: cơm nếp, ngô, măng, rau, thịt, cá là những thứ trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào. Khẩu vị ưa thích là món nướng và đồ xôi hay vùi tro. Đồng bào thường thích ăn chua, cay, đắng và có nhiều gia vị. Đồ uống là rượu cần và rượu nếp, rượu cất dùng trong lễ, tết, đón khách. Đại Nam Nhất thống chí triều Nguyễn có ghi: “Dân phần nhiều là ăn gạo nếp, mặc vải chàm, sau lưng địu con, gần nhà đặt cối dùng sức nước để giã gạo, làm guồng nước để tưới ruộng, dùng ống vầu để múc nước. Có bệnh thì cầu đảo quỷ thần, lấy vợ thì ở rể. người chết thì chia của.”

Văn hóa tinh thần: Mỗi dân tộc có kho tàng văn hóa, nghệ thuật của riêng mình  song thành tựu văn hóa đáng chú ý nhất là nghệ thuật dân gian: truyện cổ, điệu  hát khắp, đang, điệu múa, và những nhạc cụ dân tộc độc đáo: khèn bè, khèn Mông, chiêng trống… hay  những câu ca dao, tục ngữ.

(Tài liệu được tóm lược từ cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Mộc Châu, xuất bản năm 2002)

II. DI TÍCH Ở HUYỆN MỘC CHÂU

1. Di tích lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh:

Mộc Châu có 13 Di tích lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh:

+ Di tích Hang Dơi (Thị trấn Mộc Châu)

+ Di tích Đồn Mộc Lỵ (Chống pháp)

+ Bia căm thù 64 (Thị trấn Nông trường)

+ Bia căm thù 70 (Thị trấn Nông trường)

+ Bia căm thù ngã 3 Bảo Tàng (Pa Háng) - Di tích giếng nước Trung đoàn 280 (TTNT)

+ Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ

+ Nơi Bác Hồ thăm nói chuyện công nhân nông trường Mộc Châu (Thị trấn Nông trường).

+ Nơi Bác Hồ thăm nói chuyện với nhân dân các dân tộc Mộc Châu (Thị trấn Mộc Châu).

+ Văn Bia lưu niệm Đoàn 83 (xã Đông Sang)

+ Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến (TT Mộc Châu)

+ Chùa Vặt Hồng (xã Mường Sang)

+ Danh thắng Hang động Bản Ôn (TTNT)

+ Di tích đền Hang Miếng (xã Mường Tè)

02 Di tích cấp quốc gia (Di tích lịch sử - Danh thắng Hang Dơi và Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ 

2. Lễ hội

Mộc Châu có 04 Lễ hội được phục dựng và tổ chức hàng năm:

+ Lễ hội Hết Chá (xã Đông Sang)

+ Lễ hội Nào Sồng (xã Lóng Luông)

+ Lễ hội Cầu mưa (xã Mường Sang)

+ Lễ hội Tếp độc lập (Thị trấn Mộc Châu)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây