Ghi chép về đền thờ Nàng Bẳng Mương và Lễ hội Hoa Ban ở Chiềng Khoa, Vân Hồ

Thứ ba - 11/05/2021 04:46

Hàng năm, vào dịp tháng 3, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ lại tổ chức lễ hội Hoa Ban. Du khách về dự khá đông, song không phải ai cũng biết ngọn ngành sự tích về lễ hội này và dòng thác Nàng Tiên đẹp mộng mơ. Dưới đây, khái lược vài nét để bạn đọc thêm hiểu:
Ghi chép về  đền thờ Nàng Bẳng Mương và Lễ hội Hoa Ban ở Chiềng Khoa, Vân Hồ
- Di tích lịch sử - văn hóa:  Đền thờ Nàng Bẳng Mương
- Tên gọi khác: Di tích Đền Hai bà chúa sơn lâm; Đền nàng Bẳng, nàng Mương

- Giải thích tên gọi: Nàng Ban là tên gọi dân gian của 2 chị em Khăm Khe và Khăm Kiêu sinh ra trong một gia đình họ Lò, người Thái trắng tại bản Khòng Thái (bản Khòng II ngày nay), xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ. 

Theo sự tích kể lại hai cô xinh đẹp hơn người, nết na, khéo léo, giỏi giang nức tiếng khắp vùng, dân bản dưới, mường trên ai ai cũng yêu quý. Tin lành đồn xa đến tai vua Lê Kinh Tông (thế kỷ XVI), nhà vua sai người đến vùng Mường Mây thị sát, sắm sửa lễ vật rước 2 nàng về làm vợ. Nhưng rồi phận mỏng, cả 2 chị em đều bị chết . Tiếc thương số phận 2 nàng, người dân Mường Mây dựng đền rước 2 nàng về thờ phụng, tổ chức lễ hội xên bản, xên mường vào mùa hoa ban nở hàng năm.
Lễ hội Hoa Ban, video: TT-TH Vân Hồ

Tín ngưỡng thờ nàng Ban hình thành từ đó, về sau phát triển và gọi tên mới là lễ hội Hoa Ban như ngày nay.

ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH ĐỀN THỜ NẰNG BẲNG MƯƠNG


Đường đến di tích thuận lợi với các loại phương tiện giao thông đường bộ như xe đạp, xe máy, ô tô hoặc đi bộ.

-Từ Hà Nội theo quốc lộ 6 ngược lên Tây Bắc qua tỉnh Hòa Bình đến ngã ba Bó Nhàng 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) khoảng 191 km. Từ ngã ba Bó Nhàng 2 rẽ phải hướng trung tâm hành chính huyện Vân Hồ khoảng 03 km và đi đường thẳng đường Suối Lìn đến trung tâm xã Chiềng Khoa 7km.

Nguồn gốc hình thành tín ngưỡng thờ cúng tại Đền Nàng Ban

Chuyện xưa kể rằng: Ngày xưa  ở Bản Khoòng Thái (xã Chiềng Khoa) có một gia đình dòng họ Lò (người Thái trắng) di cư từ Đà Bắc (Hòa Bình), bên kia sông Đà, sang vùng Chiềng Khoa khai hoang sinh sống, dựng bản lập mường. Thời điểm đó, vùng đất Chiềng Khoa hoang sơ, vắng vẻ, không có người ở, thời tiết lạnh giá, quanh năm mây mù bao phủ nên được gọi là Mường Mây
. Ít lâu sau, gia đình sinh ra được 3 người con, gồm 1 con trai và 2 con gái . Theo thời gian, hai cô lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, giữa hương rừng, gió núi, chẳng mấy chốc trở thành hai thiếu nữ Thái xinh đẹp hơn người, tài sắc vẹn toàn.

Theo sự tích kể lại, tóc của hai cô dài như dòng suối, làn da trắng ửng hồng, tính tình nết na thùy mị, chịu thương chịu khó, chăm chỉ trồng bông dệt vải, thêu khăn piêu, dạy dân múa xòe, hát dân ca, hát giao duyên, hướng dẫn dân làm ruộng nước, làm mương phai, phát nương, thổi các điệu khèn, điệu pí… từ đó ai ai trong bản cũng vô cùng yêu quý, cảm phục về tài, đức, thông minh của hai nàng và đặt tên cho 2 nàng là nàng Bẳng và nàng Mương . Tiếng lành đồn xa, người dân bản trên, mường dưới rủ nhau đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm xây dựng cuộc sống ấm no và tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp trời ban của hai nàng .

Rồi một ngày, tin lành đồn đến tai vua Lê Kinh Tông, ngài liền phái thuộc hạ có tên Biên Biền đến vùng Mường Mây xem có đúng như tin đồn không? Quả thực trăm nghe, không bằng một thấy, đúng như lời đồn đại, Biên Biền phác họa chân dung hai nàng để đưa về cho nhà vua xem. Xem xong bức họa, vua liền phái quân lính mang theo của cải, vàng bạc, châu báu và trống đồng đến Mường Mây để xin phép gia đình gả 1 nàng về làm vợ vua. Khi quân lính đến Mường Mây thưa chuyện, trong khi cha mẹ nàng chưa có ý kiến gì thì hai nàng biết thân phận quê mùa, lòng chẳng thuận theo vua, nên chắp tay, cúi đầu vái lạy quân lính nhà vua rằng:
“Phận là con dân quê mùa
Quang năm cày cấy, chân lấm tay bùn
Đũa mốc chẳng dám chòi mâm son
Không dám ngồi hàng nhất phẩm phu nhân
Cầu xin các ngài thương lấy dân quê
Tha cho phận nữ nhi yếu ớt” 
Thế nhưng quân lính chẳng chút động lòng, nắm tay nàng út kéo lên thuyền một cách ép buộc rồi xuôi sông Đà trở về kinh đô. Tuy nhiên, khi đoàn thuyền đi qua khúc sông ở Thác Bờ, Hòa Bình, nàng út bỗng ngửi thấy mùi hương quyến rũ tỏa ra từ chùm hoa ban rừng đang trôi trên sông cuộn dọc mạn thuyền. Mùi hương thơm ngát của loài hoa khiến cho trái tim nàng út thổn thức, xao xuyến, liên tưởng đến số phận mình cũng như chùm hoa kia đang trôi dạt về phương trời nào.

Nàng đưa tay với lấy chùm hoa, nhưng không may con thuyền tròng trành cuốn theo dòng nước xiết, rồi nàng út bị chết đuối trước sự bất lực của những người đi cùng.

Quân lính tâu câu chuyện trên với nhà vua và nhận lệnh mang sính lễ quay trở lại Mường Mây để xin đưa nàng Khăm Khe (nàng chị) về làm vợ vua. 

Từ nhỏ, 2 chị em  vốn sống khép kín, nhút nhát nên khi nghe tin quân nhà vua quay lại để xin gia đình đưa nàng về kinh, nàng Khăm Khe sợ hãi chạy vào rừng bỏ trốn, mang theo chiếc guồng quay sợi bằng bạc. Nàng đi đến đâu, quân lính nhà vua truy tìm đến đấy, nàng chạy đến một hang đá trên đỉnh thác (suối Tân). Lúc này trời nhá nhem tối, bỗng nổi cơn giông, nàngngồi một mình than thở rằng: “Trời ơi! Hãy mưa đi, mưa thật to đừng để Keo đến nữa”. Đúng lúc đó một dân chài đi qua cửa hang đùa,đáp rằng: “Keo đến đây rồi”nàng giật mình lao xuống dòng thác Suối Tân tự vấn . 

Về phần quân lính, sau khi mưu sự không thành, trước khi rút quân về, toàn bộ sinh lễ mang theo đều để lại Mường Mây. Theo lệnh của vua, trống đồng đem chôn từng hố rải rác ở các gò đất quanh vùng, còn vàng bạc, châu báu đem giấu trong 1 hang đá đầu bản của hai bà chúa, ngoài cửa hang dùng đá cuội trộn lẫn mật mía bịt kín. 

Thương tiếc số phận hai chị em và cảm phục những đức tính tốt đẹp vẹn toàn của hai nàng, ít lâu sau cha mẹ 2 nàng bàn với dân bản, góp công sức dựng một ngôi đền tại Mường Mây để đón hồn của hai bà chúa trẻ về thờ. Kể từ đó cứ vào mùa hoa ban nở, dân bản lại ra đền thắp hương cầu cho hai bà yên giấc nơi suối vàng. Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng khỏe mạnh, chăn nuôi phát triển, lúa, ngô đầy bồ. Năm lẻ thì cúng con vật hai chân, năm chẵn cúng con vật 4 chân …cứ 5 năm thì dân bản lại mời bản trên, mường dưới tự nguyện quyên góp dâng lễ cầu an lành . 


 Nguồn gốc lễ hội Hoa Ban (lễ hội Xên bản, Xên mường)


Sinh sống bằng nghề nông nghiệp, trong điều kiện khoa học, kỹ thuật còn thô sơ, chưa phát triển, người Thái đã thần thánh hóa và tôn thờ các lực lượng tự nhiên. Tín ngưỡng vạn vật hữu linh là tín ngưỡng phổ biến nhất trong cộng đồng dân tộc Thái.

Người Thái nhận thức về vũ trụ có 2 tầng cơ bản: Mường Côn là nơi ở của con người và vạn vật (trần gian), Mường Phạ (mường trời) là nơi ở của các vị “Then”  và là nơi trú ngụ của các linh hồn người chết. Họ quan niệm rằng “Then luông” là vị thần ngự trên Mường Phạ, có quyền lực nhất. Then cai quản cả mường trời và trần gian. Dưới “Then luông” có các vị thần giúp việc cai quản trần gian và muôn loài. Dưới trần gian, bất cứ vật nào cũng có linh hồn, nơi nào cũng có “Phi” (ma) làm chủ. Nhà thì có “Phi hươn” (ma nhà), họ thì có “Phi đẳm” (ma họ), sông suối thì có “Chẩu nặm” (chủ nước), đất thì có “Chẩu đin” (chủ đất) cai quản… 

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thái, thế giới siêu nhiên ngoài những yếu tố tốt lành thì các “ma” như ma trời, ma đất, ma sông, ma núi… luôn rình rập, đe dọa còn người. Vì thế trong tâm thức của đồng bào, muốn có cuộc sống bình an, mùa màng bội thu, tránh được ốm đau, bệnh tật thì phải “Xên bản”, “Xên mường” . Đó là một trong những lý do, giải thích vì sao đồng bào Thái lại có tục “Xên bản”, “Xên mường” 

Lễ hội được tổ chức vào tháng 2, tháng 3 âm lịch đúng vào mùa ban nở với tâm nguyện thỉnh bái “Then” - vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” - một nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung. Vì thế lễ hội Hoa Ban ngày nay thực chất là lễ hội Xên bản”, “Xên mường” (cầu an cho bản mường). Trong lễ hội này, người Thái thường chọn một vài cành ban đẹp, bày trong mâm cúng dâng lên thần linh, tổ tiên thể hiện đạo hiếu, lòng biết ơn của con cháu. 

Theo phong tục của người Thái trắng xưa kia, hội hoa ban là những ngày lễ lớn nhất của Tây Bắc. Mùa xuân là mùa hoa ban và hội hóa ban chính là ngày hội của tình yêu và mọi lứa tuổi, của hứa hẹn hạnh phúc, cầu mong thịnh vượng .

Nới tới hoa ban là nói tới Tây Bắc, loài hoa diệu kỳ đã gắn bó mật thiết với thiên nhiên, núi rừng, với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho vùng đất này. GS-TSKH Tô Ngọc Thanh cho rằng “Ở nước ta nhiều nơi có hoa ban nhưng không có nơi nào hoa ban lại nhiều và trắng trong, trinh bạch như Tây Bắc. Vì thế mặc nhiên hoa ban đã trở thành biểu tượng của vùng đất ngút ngàn, trùng xa này” 

Hoa ban làm đẹp mùa xuân, mùa hội hái hoa vì ý nghĩa trữ tình, nồng nàn của nó mà dân ca, truyền thuyết và cổ tích Thái Tây Bắc đã thấm nhuần. Hoa ban tượng trưng cho niềm hạnh phúc, khát vọng yêu đương:
“Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở
Không thấy ngày ban tàn
Không tính tháng, không tính năm
Mãi Mãi như mùa ban đầu đôi ta yêu nhau”
(Tình ca Thái) 
Hoa ban của tình yêu còn là hoa của ước mơ trường thọ, của thiên nhiên và tâm hồn trẻ mãi không già nhờ nghị lực của tình yêu và hài hòa vũ trụ:
Trăm mùa ngắm ban nở còn ngắm mãi
Mỗi mùa ban lại thêm trẻ ra, không già
Đi giữa ngày hội hái hoa, cô gái chàng trai Tây Bắc yêu quý hình tượng hoa ban, họ kể cho nhau nghe câu chuyện tình đẹp, lãng mạn, tôn thờ sự thủy chung trong tình yêu đôi lứa.

Ở Tây Bắc hiện nay, lễ hội Hoa Ban được tổ chức nhiều nơi như Điện Biên, Sơn La (lễ hội Hoa Ban thành phố Sơn La, lễ hội Hoa Ban huyện Vân Hồ) và đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của các địa phương này. Trong đó, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ luôn tự hào là quê hương của nàng Ban (nàng Bẳng, nàng Mương), cội nguồn của lễ “Xên bản”, “Xên mường” ngày trước và lễ hội Hoa Ban ngày nay.

XEM THÊM: Đặc sắc lễ hội Hoa Ban Chiềng Khoa, Vân Hồ

Tín ngưỡng thờ cúng Nàng Ban và lễ “Xên bản”, “Xên mường” trước đây

Theo lời kể của ông Ngần Văn Tượng: Sau khi nàng Khăm, nàng Khe chết, cha mẹ 2 nàng bàn với dân bản góp công sức dựng 1 ngôi đền bằng tranh tre, nứa lá đơn sơ ở trung tâm Mường Mây để đón linh hồn 2 nàng về thờ phụng. Dựng đền xong, dân bản mời thầy mo lập bàn tế thần, lễ vật dâng cúng gồm có hương hoa, trà, quả, lợn gà, rau, măng rừng… những sản vật của địa phương. Tiếp đến, thầy mo khấn, xin đài âm dương mời nàng Khăm từ thác Suối Tân (thác Nàng Tiên này nay) và nàng Khe từ sông Đà (vùng Thác Bờ, Hòa Bình) về ngự ở đền. Nội dung lời khấn bày tỏ lòng biết ơn của dân bản đối với 2 nàng đã có công dạy cách làm ăn và tiếc thương cho số phận 2 nàng chết trẻ giữa độ xuân thì. Đồng thời, cầu cho 2 nàng phù hộ độ trì cho dân bản ai ai cũng khỏe mạnh, tu chí làm ăn… 
thác nàng tiên chiềng khoa 3

XEM THÊM: THÁC NÀNG TIÊN CHIỀNG KHOA - TIÊN CẢNH ẨN MÌNH GIỮA CAO...

Sau khi rước linh hồn 2 nàng về ngự tại đền, hàng năm dịp tết đến, xuân về người dân chuẩn bị hương hoa, trà quả, trầu cau, rượu, nước, bánh chưng xanh dâng cúng để tỏ lòng thành kính, biết ơn 2 nàng, tổ tiên, thần linh. Theo ông Tượng dịp tết nguyên đán, không giết gà, mổ lợn mà đợi đến tháng 2, tháng 3 âm lịch khi mùa hoa ban nở mới tổ chức lễ “xên bản”, “xên mường”. Lễ vật dâng cúng lớn hay bé tùy vào tình hình kinh tế từng năm, từng bản, mường bàn bạc, quyết định tổ chức “xên” to hay “xên” nhỏ . Sau khi thống nhất xong, phân bổ cho dân trong bản, mường đóng góp. Theo thông lệ, “xên bản” tổ chức hàng năm, còn “xên mường” 3 năm làm 1 lần. Trong lễ “xên mường”, ngoài lễ ngọt như trên, còn có lễ  mặn gồm gồm 1 con trâu, 1 con lợn, 1 con chó, 1 con vịt, 3-4 con gà, cá, cua, tôm, rau ...
le hoi hoa ban (3)

 Khi làm lễ, thầy mo mời 2 bà chúa và các thần linh trong vùng gồm chúa sơn lâm, vua thủy tề, thần thổ địa, long vương, mời thần các núi bên Đông: pu Huột, pu Cò Khó, pu Hạng Ngân, pu Tạt Cọt – Nhót Khong (núi đầu suối Khòong); mời thần các núi bên Tây: pu Lý, pu Sùng, Mết Mương… về dự lễ, chứng kiến tấm lòng thành của bà con và phù hộ bản mường an vui, phát triển. Lễ “xên mường” thu hút đông đảo nhân dân khắp vùng Mường Mây như Mộc Hạ, Tô Múa, Mường Tè, Mường Men, Quang Minh, Chiềng Khoa… về dự đông đủ, thời gian lễ hội thường kéo dài 3 ngày kèm theo các trò chơi dân gian như thi bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn, hát giao duyên nam nữ, múa xòe…

Chính không gian ấy, lễ “xên bản”, “xên mường” của dân tộc Thái vượt qua mọi cản trở, tồn tại mãi với thời gian trong tâm thức của đồng bào. Điều dễ nhận thấy trong các dịp “xên bản”, “xên mường” đó là tất cả nam, nữ rũ bỏ mọi điều rủi ro của năm cũ và nhóm lên hi vọng vào năm mới, cả bản mường sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Sức sống nhân văn của “xên bản”, “xên mường” xuất phát từ trong sâu thẳm của lòng người giao hòa cùng đất trời, vạn vật. Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, hoa ban nở rộ trên mỗi bản mường người Thái tiếng cồng, chiêng lại ngân vang báo hiệu một vụ gieo trồng mới hi vọng mùa vàng bội thu, nhà nhà no ấm.


Lễ hội Hoa Ban, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ ngày nay


Đến đầu thế kỷ XXI, kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu tinh thần, đời sống tâm linh của nhân dân ngày càng cao. Trước thực tế đó, năm 2003 tỉnh Sơn La cho phép nghiên cứu, phục dựng lại lễ hội “xên bản” “xên mường” xã Chiềng Khoa lấy tên là lễ hội Hoa Ban. Trên cơ sở đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La  phối hợp với UBND huyện Mộc Châu đã tổ chức điều tra, thu thập tư liệu, tổ chức quay phim, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử và tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu về dân tộc học, các nhà Thái học tại địa phương để viết tài liệu “Khảo tả Lễ hội Hoa Ban, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ” và tổ chức phục dựng thành công Lễ hội Hoa Ban.

Lễ hội được tổ chức năm đầu tiên năm 2003, Đặc biệt sau nhiều lần trăn trở với trách nhiệm, bổn phận con cháu hậu duệ 2 bà chúa, ông Lò Văn Cung đã trình bày nguyện vọng với các cấp chính quyền về việc phục dựng ngôi đền, đón linh hồn 2 bà chúa về thờ phụng và được chính quyền đồng ý. Năm 2016, ông đứng ra huy động kinh phí đóng góp từ con cháu trong gia đình xây dựng Đền thờ nàng Bẳng, Mương tại gia đình, ngày đêm hương khói, công việc to nhỏ trong gia đình, hay việc của bản đều được ông báo cáo, xin phép 2 bà chúa . Lễ hội Hoa Ban từ đây được tổ chức quy mô và bài bản hơn, nhất là phần lễ diễn ra trang trọng tại đền thờ hai bà chúa.

 Thời gian tổ chức lễ hội Hoa Ban

Hàng năm cứ vào mùa hoa Ban nở (khoảng tháng 2 âm lịch) trong tiết trời ấm cúng của mùa xuân, khi mọi công việc đồng án đã hoàn thành; thóc lúa, ngôsắn đã phơi khô đưa vào kho cất giữ, Thầy Mo lựa chọn ngày, giờ tốt, mang lại nhiều điều may mắn để tổ chức Lễ hội. Một yếu tố quan trọng là khi làm lễ hội phải đúng mùa hoa ban nở, có củ mài, có măng rừng, có con ve, lúa nếp. 

 Tổ chức phần lễ

- Cúng tại gia: Buổi chiều trước ngày khai mạc lễ hội, thầy cúng sắp mâm lễ gồm: 1 bó hương, 1chai rượu, trầu, cau... gọi là lễ "Tam táy" cúng tại  gia đình xin phép tổ tiên phù hộ và cho "Quân một" đi theo làm lễ cúng mường, sau khi cúng xin phép tổ tiên xong, thầy cúng cùng nhóm nghệ nhân mang đồ lễ  đến cúng tại Đền thờ Hai bà chúa tại nhà ông Lò Văn Cung , bản Khoòng 2, xã Chiềng Khoa.

- Lễ rước hai Bà chúa: Sau khi đã chọn được ngày giờ tốt, Thầy Mo cùng các già làng, trưởng bản bàn bạc thống nhất cách làm. Mỗi bộ phận cử ra một trưởng nhóm để quán xuyến công việc. Lễ rước Hai bà chúa được cử hành như sau:

Thầy Mo trong trang phục áo dài cài khuy nách, đầu đội khăn xếp, tay cầm ô đen, 1 tay cầm cành hoa ban và 3 con ve đi đầu. Tiếp đến là Thầy Cắt trong trang phục chàm đen, đầu đội khăn xếp, đeo bao dao nhọn, tay cầm bát to, vai đeo súng kíp, 1 tay dắt trâu. Thầy Gõ trong trang phục chàm đen, đầu đội khăn xếp, đeo trống nhỏ, vừa đi vừa đánh trống theo nhịp xòe. Tiếp theo sau Thầy Gõ là các thiếu nữ bê mâm cỗ trong trang phục váy áo cóm, quàng khăn piêu. Cuối cùng là các già làng, trưởng bản và dân bản cùng đi người đeo bao dao, người vác súng kíp, người vác nỏ, tay cầm cành hoa ban và cành con ve.

Đoàn người đi từ nhà Thầy Mo ra đền, nơi thờ cúng Hai Bà chúa để làm lễ. Khi đến đền, họ đi vòng quanh cái cọc 9 vòng trước khi buộc trâu vào cọc. Khi Thầy Mo khấn xong, Thầy Cắt lấy dao nhọn cắt vào cổ trâu lấy một ít tiết và ra lệnh cho mọi người mổ trâu làm thịt, dâng lên cúng Hai Bà chúa và các Thần linh.

 Đoàn rước vào trong đền chuẩn bị lễ vật gồm: Vải trắng, 2 vòng tay bằng bạc, 2 nhẫn bằng bạc, 9 con ve, rượu trắng, củ mài… Trong lúc đó, ngoài sân đềndiễn ra các trò chơi: Thi đánh trống chiêng, thi thổi khèn bè, ném còn, kéo co, xòe vòng, xòe ống… cho tới khi tổ chức lễ cúng Hai Bà chúa thì kết thúc.

Sau khi bày các mâm lễ xong Thầy Cúng mời Thổ công, Thổ địa trong bản Khoòng và các bản khác trong xã, mời Thần rừng, Thần núi, Thần sông, Thần suối, mời Then trên trời xuống, mời linh hồn Hai Nàng Ban về đông đủ chứng giám. Cầu cho muôn dân trong vùng ai cũng được khỏe mạnh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng được bội thu, nhân dân được ấm no hạnh phúc, đoàn kết xây dựng bản mường ngày càng giàu đẹp...
le hoi hoa ban (4)

Sau khi cúng xong Thầy Mo rung một hồi chuông báo hiệu các Thần linh và Hai Bà Chúa đã về cùng dân bản. Thầy Gõ đánh một hồi 3 tiếng trống, ngoài sân đền trống, chiêng hòa theo. Tất cả nam, nữ, già trẻ hòa vào vòng xòe theo nhịp trống; uống rượu cần, cùng tham gia các trò chơi dân gian.

Tổ chức phần hội

Phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi và các trò chơi dân gian: Thi làm các món ăn dân tộc, chơi ném còn, bắn nỏ, văn hóa văn nghệ.... - Múa xòe: Khi tiếng trống tiếng chiêng vang vọng núi rừng, trai, gái, già trẻ, khách phương xa không phân biệt họ cầm tay nhau bước theo nhịp trống chiêng xoay ngược kim đồng hồ xung quanh cây vũ trụ, đống lửa, chum rượu cần, dàn trống chiêng. Di chuyển theo các động tác xòe mời; xòe một mình; xòe vòng không cầm tay; xòe vòng cầm tay, xòe tiến lùi; xòe hái hoa, xòe hoa…từ 1 vòng rồi phát triển thành 2 vòng, 3 vòng, 4 vòng. 

Ngoài ra, có một điệu xòe đặc biệt chỉ có ở Lễ hội Hoa Ban Vân Hồ, đó là Múa xòe ống, nam, nữ tham gia vòng xòe chuẩn bị một đoạn ống nứa hoặc tre dài từ 1,2 - 1,5m, một giỏ hái bông. Khi xòe, họ chuẩn bị một số tấm gỗ tùy thuộc vào số lượng người tham gia. Khi trống chiêng nổi lên, họ dỗ ống xuống tấm ván theo nhịp trống, chiêng rồi từng đôi tiến hai bước, lùi một bước. Cứ như vậy sau 10 - 15 phút họ chuyển động tác: Một tay dỗ ống nứa, một tay mô phỏng động tác hái hoa. 

- Trình diễn trang phục dân tộc: Mỗi bản chọn từ 1-2 thiếu nữ có ngoại hình ưa nhìn; có kiến thức về bản, mường và xã hội để tham gia cuộc thi. Mỗi thiếu nữ đều trải qua các phần thi trình diễn trang phục truyền thống, thi năng khiếu, thi kiến thức chung. Hoạt động này thu hút rất đông người xem và cổ vũ, qua đó góp phần giới thiệu các bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thái; đồng thời bảo tồn và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào Thái.

- Hội Hạn khuống: Đây là một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Thái, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Loại hình nghệ thuật này được hình thành và phát triển gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Thái. Hạn Khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân ngoài trời dành riêng cho nam thanh, nữ tú chưa lập gia đình. Là môi trường để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sống, cách làm ăn, hát đối đáp giao duyên, tìm hiểu tình yêu đôi lứa.
le hoi hoa ban (2)

Ngoài ra, nhiều trò chơi dân gian khác được tổ chức trong Lễ hội Hoa Ban như:  Ném còn vòng, Bắn nỏ, Tó mák lẹ, Đẩy gậy,  thi kéo co, đi cà kheo, đánh khăng, đánh quay… Sau khi tổ chức các trò chơi dân gian xong Thầy Mo mời các đại biểu và khách tham dự lễ hội cùng mâm thưởng thức các món ăn để lấy tài lộc, may mắn.

Các hoạt động văn hóa cùng các trò chơi dân gian diễn ra tại Lễ hội Hoa Ban đã tạo không khí vui tươi phấn khởi, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và giới thiệu tiềm năng du lịch Vân Hồ tới du khách trong và ngoài nước.

Thác Suối Tân (thác Nàng Tiên) – nơi nàng Khăm tự vấn nằm ẩn mình giữa thung lũng Nà Súng kì bí, thuộc 2 bản Nà Chá và Nà Tén. Xung quanh là cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn màu xanh ôm lấy toàn bộ thung lũng như để cất giấu những điều bí mật về truyền thuyết hai Nàng “Bẳng, Mương”. Thác Nàng Tiên đã được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng danh thắng cấp tỉnh, theo Quyết định số 1220/QĐ-UBND, ngày 30/5/2018.

 Đến với Chiềng Khoa, du khách có có dịp tìm hiểu, khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Đó là những làn điệu dân ca ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất, được hòa mình vào Lễ hội Hoa Ban rộn ràng. Bên chum rượu, cần du khách sẽ cảm nhận sự thân thiện, gần gũi và sự hiếu khách của người dân địa phương, được thưởng thức các món ăn dân tộc độc đáo, tìm hiểu những nét đẹp trong phong tục, tập quán mang đặc trưng văn hóa của các dân tộc.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC, THẨM MỸ CỦA DI TÍCH

- Giá trị lịch sử, văn hóa

Tín ngưỡng thờ cúng nàng Ban, dân tộc Thái trắng, huyện Vân Hồ đã có từ lâu đời, lưu truyền qua nhiều thế hệ, có giá trị lịch sử và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái. Tín ngưỡng thờ cúng nàng Ban nhằm mục đích tưởng nhớ công lao của 2 bà chúa, người đã có công khai phá ra vùng đất này, dạy bảo người dân làm ăn, biết thêu thùa, dệt vải, dạy nhân dân múa xòe, hát giao duyên… chính vì vậy, trong tâm thức của người Thái Trắng nơi đây“Hai bà chúa” trở thành vị nhân thần linh thiêng bảo vệ, che chở bản mường, phù hộ độ trì cho nhân dân luôn khỏe mạnh, làm ăn gặp nhiều may mắn.

Lễ hội Hoa Ban hay còn gọi là lễ Xên Bản, Xên Mường là lễ hội lớn nhất trong năm của người Thái ở Sơn La. Lễ hội Hoa Ban thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then” - một vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “Nàng Ban” - một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trong trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung, khát vọng tự do. Với quan niệm vạn vật hữu linh, lễ hội cũng là dịp để người dân thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông  … phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của bản mường luôn đoàn kết, đầm ấm, yên vui. 

- Giá trị về du lịch

Từ khi phục dựng năm 2003 đến nay, lễ hội Hoa Ban huyện Vân Hồ đã và đang trở thành sản phẩm văn hóa du lịch tiêu biểu của huyện Vân Hồ. Lễ hội là dịp tôn vinh, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc Thái; gắn bảo tồn văn hóa với tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vân Hồ. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh mảnh đất, con người Vân Hồ tươi đẹp, thân thiện, mến khách và giàu bản sắc dân tộc đến với đông đảo công chúng và khách du lịch trong nước, quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

TẾT MÔNG MỘC CHÂU VÀ KINH NGHIỆM ĂN TẾT CỦA BÀ CON

TẾT MÔNG MỘC CHÂU VÀ KINH NGHIỆM ĂN TẾT CỦA BÀ CON

05/01/2022 21:56

Tết cổ truyền người Mông Mộc Châu, hay còn được biết đến với tên gọi tết Mông Mộc Châu, là một nét văn hóa cực kỳ đặc sắc đặc sắc. Hàng năm cứ đến tháng chạp 12 âm lịch là bà con người Mông ở Mộc...

Vlog xuống chợ phiên Vân Hồ, ăn Thắng cố, uống rượu ngô say quên lối về

Vlog xuống chợ phiên Vân Hồ, ăn Thắng cố, uống rượu ngô say quên lối về

04/05/2022 05:20

Vừa qua huyện Vân Hồ đã tổ chức chương trình khôn gian văn hóa chợ phiên tại bản Chiềng Đi 2, phục vụ du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Cập nhật nội dung chương trình Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu 2022

Cập nhật nội dung chương trình Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu 2022

11/08/2022 03:10

Sau hơn 2 năm gián đoạn bởi dịch covid 19, năm nay huyện Mộc Châu tiến hành tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc 2022. Đây là ngày hội lớn nhất và được mong chờ nhất trong năm của Mộc Châu. Ngày...

Lễ hội Hết Chá ở Mộc Châu, Sơn La hướng tới xây dựng, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc cho người dân

Lễ hội Hết Chá ở Mộc Châu, Sơn La hướng tới xây dựng, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc cho người dân

27/03/2021 23:40

Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, không chỉ được biết đến là một thảo nguyên tươi đẹp, rộng lớn, có không khí trong lành, mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, mà còn có nhiểu lễ hội truyền...

Tháng 10 về Mộc Châu xem Hoa hậu Bò sữa

Tháng 10 về Mộc Châu xem Hoa hậu Bò sữa

01/10/2019 21:48

Đến du lịch Mộc Châu vào tháng 10, ngoài việc được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với những cánh đồng cải trắng trải dài đến tận chân trời, du khách còn...

Hoa hậu bò sữa Mộc Châu- Những điều bạn chưa biết?

Hoa hậu bò sữa Mộc Châu- Những điều bạn chưa biết?

26/09/2019 13:15

Hoa hậu bò sữa Mộc Châu có nhiều điều thú vị có thể bạn chưa biết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích cho các bạn

Bí quyết tạo nên những Hoa hậu bò sữa Mộc Châu có nguồn sữa tốt, dồi dào

Bí quyết tạo nên những Hoa hậu bò sữa Mộc Châu có nguồn sữa tốt, dồi dào

12/09/2019 05:20

Ngày 14-15.10 hàng năm, Mộc Châu Milk tổ chức cuộc thi Hoa hậu bò sữa nhằm tôn vinh nghề chăn bò trên vùng đất thảo nguyên xanh. Đây được coi là lễ hội truyền thống của người dân Mộc Châu, hãy...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây