Người Thái Mộc Châu hồi sinh lễ cầu mưa
Lễ cầu mưa thường diễn ra vào rằm tháng 2 (âm lịch), và dân bản phải chuẩn bị trước đó cả tháng trời. Chiều tối hôm trước khi lễ cầu mưa diễn ra, bà Lường Thị Chức đã thực hiện một lễ cúng Thổ địa nho nhỏ tại địa điểm hôm sau diễn ra lễ cầu mưa. Lễ cúng Thổ địa có hoa quả, trứng, một con gà, một bộ quần áo của trưởng bản. Lời cúng đơn giản, nôm na rằng lâu nay trời khô hạn, cây cối không có nước nên khô héo, vật nuôi ốm yếu, vạn vật không sinh sôi nảy nở được, nay chúng tôi xin phép Thổ thần Thổ địa được tổ chức lễ cầu mưa, mong các ngài giúp cho buổi lễ được suôn sẻ, trọn vẹn.
Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời ló rạng, một bà góa trong bản quẩy đôi gánh buộc những ống bương đựng nước đi tới từng nhà gọi chị em phụ nữ cùng ra mó nước. Sở dĩ phải là bà góa bởi vì câu chuyện ban đầu xuất phát từ việc trời khô hạn, mọi người muốn làm lễ cầu mưa nhưng lại e ngại, sợ ông Trời nổi giận sẽ phạt. Khi đó, một bà góa đã tình nguyện đứng ra làm người hy sinh, cùng thầy mo đi cầu mưa, bà nói rằng nếu ông Trời phạt, bắt phải chết, thì chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hàng năm. Nối tiếp tục cũ, năm nào lễ cầu mưa cũng phải có một bà góa tham gia. Bà góa cùng các chị em trong bản, thường là những người đã có gia đình và ở tuổi trung niên, ra mó nước thực hiện nghi lễ đầu tiên của lễ cầu mưa, là làm một lễ cúng tại mó nước và xin phép gánh nước về. Cùng đi với các chị em là thầy mo và người dân trong bản đi thành đoàn phía sau.
Khi đoàn từ mó nước trở về, cây nêu cũng đã được dựng xong tại bãi đất trống đầu bản. Điểm đặc biệt của cây nêu này là vật trang trí gồm những con chim, con ve đan bằng nan, bên cạnh những cái lồng nhỏ đặt trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai... Tương truyền, chim và ve mang lời khấn của dân bản tới ông Then (ông Trời), còn vỏ ốc, vỏ trai tượng trưng cho sự khô hạn, nước thiếu đến mức các loài vật sống dưới nước cũng chết.
Bắt đầu vào lễ cúng, một người đại diện cho ông Then ngồi phía trên, hướng mặt về phía lễ. Thầy mo ngồi dưới, cùng với những người vừa đi lấy nước ngoài mó nước, dân bản ngồi chung quanh xa xa phía sau. Thầy mo đọc bài cúng kể cho ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa. Kết thúc bài cúng, ông Then bưng chậu nước đi vòng quanh, vừa đi vừa vẩy nước vào tất cả những người dự lễ. Sau đó, dân bản cùng nhau múa xoang, hát hò và chơi trò chơi dân gian...
Mới được khôi phục hai năm nay, nhưng lễ cầu mưa được bà con đón chờ và ủng hộ hết lòng. Bà Lường Thị Thay, bản Nà Bó cho hay, trước đây bản trên và bản dưới hay cãi nhau về chuyện nguồn nước, năm trước làm lễ cầu mưa xong thì mưa to, người dân bản dưới đã lên cảm ơn dân bản Nà Bó và mâu thuẫn cũng không còn. Bà Thay cũng cho biết, bản đang đề nghị xã, huyện đưa lễ cầu mưa vào danh sách lễ hội hàng năm của địa phương.
Tác giả: admin
Nguồn tin: Sưu tầm
Bài viết liên quan
Pịa - Món ngon của vùng đất Sơn La
Có một món ăn nổi tiếng của vùng đất Sơn La mà ai đi qua đó một lần không nếm thử thì thật đáng tiếc, đó là món Pịa. Ở Mộc Châu có một số quán ăn có món Pịa khá ngon
Thơm dẻo bánh dầy Mông ngày Tết
Tết của người Mông ở Mộc Châu không giống như những nơi khác, người Mông nơi đây đón tết sớm hơm Tết Nguyên đán một tháng. Trong ngày tết ngoài rượu, thịt, thì bánh giầy là thứ không thể thiếu...
Phong cách chơi tết của người Mông bản Tà Phình
Như thường lệ, cứ đến cuối tháng 11 âm lịch người Mông khắp nơi lại tưng bừng đón tết. Có ăn tết, chơi tết cùng bà con mới thấy nhiều điều thú vị. Dưới đây là vài khoảnh khắc ghi được khi cùng...
Thịt chua - hương vị hạnh phúc của vợ chồng Dao
Ngày còn bé, tôi thường hay nghe các cô bác trêu mấy chị gái lớn: “Con gái lớn thế này, xinh đẹp thế này thì bố mẹ chẳng mấy chốc mà có thịt chua rồi!”. Tôi chẳng hiểu gì cả vì con gái và thịt...
Tìm hiểu về ẩm thực mộc châu
Đến với mộc châu, Quý khách không những được hòa mình trong không gian tươi đẹp đầy sắc màu của hoa lá, cây cỏ, của những trang phục rực rỡ mà những cô gái nơi đây mang trên mình. Mà Quý khách...
Cao nguyên Mộc Châu đón tết độc lập
Sắc màu Mộc Châu như càng rực rỡ hơn, bởi các dân tộc Thái, Dao Tày, kinh cùng hội tụ về đây đón tết.
Chợ tình Mộc Châu
Chợ tình Châu Mộc (nay là Mộc Châu – Sơn La) diễn ra hàng năm vào ngày 1-9 dương lịch và cũng được coi là ngày tết độc lập của người Mông. Đây cũng là phiên chợ tình duy nhất trong năm. Chợ đẹp...
Tết Độc lập của người Mông ở Mộc Châu
Tết Độc lập của người Mông ở Mộc Châu có gốc gác từ phong tục kết bạn của người Mông - người Mông gặp nhau dù bản làng xa cách bao nhiêu vẫn kết bạn, kết nghĩa anh em, kết duyên trai gái.