Rêu đá - món ăn truyền thống dân tộc Thái
Đồng bào dân tộc Thái thường truyền miệng câu chuyện về mối tình chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bố của cô gái không ưng thuận. Một hôm, đôi trai gái trèo lên ngọn núi cao, bện tóc vào nhau, thề nguyện suốt đời sống bên nhau. Rồi họ biến thành ngôi sao mai lấp lánh, nước mắt họ chảy thành sông, tóc biến thành rêu đá óng ả trong làn nước.
Những ngày nắng ấm, các cô gái Thái thường tổ chức thành từng tốp đi lấy rêu về chế biến thành món ăn truyền thống của dân tộc. Rêu được chia thành 3 nhóm: “Cui”, loại rêu mọc trên đá thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm, rêu non làm món nộm, có nơi làm nộm sống, thường mọc ở các dòng Nậm Mức, Nậm Mu (Tuần Giáo và Mường Chà), sông Nậm Rốm, Pá Nậm (Điện Biên); “cay”, sợi rêu mọc rời rạc có màu xanh thường có ở suối Nậm He, xã Núa Ngam (Điện Biên); “tau”, loại rêu này thường thành từng mảng ở sông Đà, ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá như các loại rêu kia, khi thu lượm người ta dùng thanh tre gạt rêu vào rổ. Rêu sạch và non thường lấy ở những khúc sông, khe suối (nơi có dòng chảy). Mùa rêu mọc, đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú ở những nơi gần sông, suối, thường lấy rêu non về phơi khô để dành ăn dần hoặc chế biến thành món ăn trong tiệc cưới, lên nhà mới, lễ hội…
Trước khi chế biến thành món ăn phải để rêu trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập nhiều lần cho nát hết tạp chất bám trên rêu, rửa sạch không còn cát sạn. Rêu chế biến được nhiều món ăn ngon: Canh rêu tươi “kinh tau” nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, nấu vừa chín tới, cho mắm muối và các gia vị, ăn nóng. Rêu nộm “tau nửng chụp”, thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng súp, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng), thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ. Rêu nướng “tau pho”, món ăn hấp dẫn và hợp khẩu vị với hầu hết mọi người. Rêu rửa sạch, lấy lá chuối hoặc lá dong trên rừng, chọn lá to bản, hơ trên than hồng cho lá mềm, khi gói không bị rách, cho cùng các gia vị, muối, mì chính, gừng, rau mùi, “mắc khén”, sả, hành, buộc túm lại, nướng trên tro nóng hoặc than hồng, thỉnh thoảng xoay đều cho tới khi lớp lá bên ngoài cháy xém là được. Rêu nướng còn dùng ống nứa non “tau lam” để nướng, cách này giữ lại các chất ngọt trong ống. Món rêu nướng có mùi vị đặc trưng, đặc biệt khoái khẩu đối với người biết uống rượu.
Rêu đá chế biến nhiều món ăn truyền thống, đặc sắc của đồng bào Thái Tây Bắc, đậm đà trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái được tổ chức trong ngày xuân. Món rêu đá còn mang một ý nghĩa về truyền thuyết của mối tình chung thủy từ ngàn xưa còn lưu lại đến giờ.
Bài viết liên quan
Ẩm thực độc đáo của dân tộc Thái
Mỗi dân tộc đều có một truyền thống văn hoá ẩm thực riêng, có bí quyết riêng để chế biến các món ăn ngon miệng vào những ngày lễ tết, cưới xin, hội hè... ở tây bắc, nói đến ẩm thực, người ta nhắc...
Tết xíp xí của người Thái trắng
Ở Việt Nam, người Thái có số dân hơn một triệu người, chia làm hai nhóm: Thái Đen (Táy Đăm) và Thái Trắng (Táy Khao). Đồng bào sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi Tây Bắc và các tỉnh Thanh Hóa,...
Lên Mộc Châu ăn Tết dân tộc H'Mông
Khi những cánh hoa đào đầu tiên trên núi đá bung sắc đỏ báo mùa xuân về, người Mông ở xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lại tưng bừng chuẩn bị các nghi thức, nghi lễ cho ngày Tết của...
Độc đáo phong tục gội đầu của người phụ nữ Thái
Với người phụ nữ Thái, bên cạnh “tăng cẩu” thì nghệ thuật gội đầu, chăm sóc tóc của họ cũng được coi là cả một nghệ thuật mới mẻ với nhiều nét độc đáo.
Trò chơi độc đáo trên bản Mông
Những ngày xuân ở vùng cao, sắc cảnh thiên nhiên đổi thay bởi những sắc màu rự rỡ của cánh hoa đào lung linh trong gió, của trang phục những đôi trai gái rập rìu tìm bạn. Trong khung cảnh vùng...
Mùa "bắt vợ"
Khi làn sương mù tràn về che phủ những non cao, khi cái lạnh bắt đầu len lỏi qua những tà áo, khi những bông đào dần chớm nụ .. cũng là mùa “bắt vợ” của những chàng trai người Mông....