Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Nỗ lực phục hồi du lịch nội địa khi bước vào năm mới, giúp du lịch lấy lại đà tăng trưởng
Ngày 28/12/2021, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị Bàn giải pháp thích ứng, linh hoạt an toàn với dịch COVID-19 và phát động chương trình du lịch nội địa “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc nằm bên dòng Sông Đà, Sông Mã thơ mộng. Sơn La được ví là miền hoa ban trắng giữa đại ngàn Tây Bắc, có 12 dân tộc anh em chung sống hòa đồng, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, với nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực hấp dẫn. Sơn La có Mộc Châu được quy hoạch phát triển thành Khu du lịch quốc gia với diện tích 1.500ha, khí hậu trong lành mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với Biển hồ Thủy điện Sơn La rộng 43.760 km2 với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ tạo thành một quần thể sinh thái có giá trị lớn về du lịch...
Giai đoạn 2016-2020, Sơn La đón gần 10 triệu lượt khách du lịch; doanh thu du lịch đạt 6.482 tỷ đồng. Nhưng hai năm qua đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch của địa phương. Nhiều đơn vị lữ hành ngừng hoạt động, các khách sạn phải đóng cửa, doanh thu từ du lịch bị giảm sút trầm trọng gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 94 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những giải pháp cụ thể. Theo đó, Sơn La phấn đấu trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc; xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế; phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch. Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025 Mộc Châu được công nhận là khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành khu du lịch quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng để Sơn La cụ thể hóa tiềm năng và phát triển du lịch bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Sơn La mong muốn nhận được sự tham vấn, định hướng của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch hiến kế các giải pháp để giúp địa phương mau chóng khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch trong bối cảnh "bình thường mới", thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, quảng bá tiềm năng, lợi thế, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt; bản sắc văn hóa dân tộc hấp dẫn đến đông đảo du khách trong và quốc tế, qua đó thu hút du khách đến Sơn La nhiều hơn trong thời gian tới. Từ đó Sơn La sẽ xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể, nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế”, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Sơn La, bà Tráng Thị Xuân cảm ơn Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn Sơn La để phát động Chương trình du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch an toàn - trải nghiệm trọn vẹn”.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá Hội nghị bàn giải pháp thích ứng an toàn với dịch COVID-19 nhằm phục hồi, phát triển du lịch được tổ chức tại Sơn La có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Lãnh đạo Tỉnh đối với lĩnh vực du lịch.
Trong gần 2 năm qua đã trải qua 4 đợt bùng phát của dịch bệnh, Việt Nam tạm dừng đón khách du lịch quốc tế, hoạt động du lịch nội địa cũng suy giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch đã nhanh chóng tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL kiến nghị Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch vượt qua thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 như giảm tiền điện, giảm thuế đất, giảm thuế VAT, giảm 80% ký quỹ kinh doanh lữ hành, giảm 50% phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên, hỗ trợ 3.710.000 đồng/hướng dẫn viên… được đa số doanh nghiệp, người lao động trong ngành đồng tình, đánh giá cao.
Với tinh thần chuẩn bị từ sớm từ xa cho chương trình phục hồi, phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL ngày 07/9/2021 triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Trong đó xác định một trong những quan điểm chủ đạo là gắn phục hồi, phát triển du lịch với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của Ngành, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa làm nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững.
Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ VHTTDL đã ban hành Chương trình số 4698/BVHTTDL-TCDL ngày 16/12/2021 phát động du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Chương trình xác định 2 mục tiêu cơ bản gồm: (1) Phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và triển khai Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL, góp phần từng bước phục hồi ngành Du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân và (2) Giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, chương trình tập trung vào 2 hoạt động trọng tâm gồm: (1) Hướng dẫn đón và phục vụ khách du lịch an toàn và (2) Tổ chức truyền thông, quảng bá và xúc tiến mở lại du lịch nội địa.
Để Chương trình được triển khai hiệu quả, kịp thời nắm bắt tốt các cơ hội khôi phục du lịch nội địa, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Đối với các Sở quản lý du lịch của các địa phương cần xây dựng, triển khai kế hoạch, tiêu chí mở lại du lịch nội địa với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt theo chỉ đạo của Chính phủ, Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL và các quy định khác có liên quan. Trước mắt tập trung các biện pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh, nhất là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới. Đảm bảo các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các hoạt động du lịch trên địa bàn theo quy định. Tổ chức phát động phục hồi du lịch nội địa trên địa bàn; kết nối với các địa phương lân cận và các địa phương khác trong nước để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng.
Có phương án cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp sớm đưa khách du lịch đến địa phương theo các chương trình tour trọn gói. Công khai các chính sách kích cầu, thông tin, điều kiện đón khách du lịch đến địa phương để doanh nghiệp chủ động tổ chức các chương trình du lịch. Tăng cường đào tạo, tập huấn về các quy định, biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước để việc mở lại du lịch đạt hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn.
Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cần có kế hoạch và tiêu chí cụ thể đảm bảo an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động kinh doanh du lịch. Hưởng ứng, xây dựng các chương trình, gói kích cầu du lịch, đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cung cấp thông tin, thông báo đầy đủ về điều kiện sẵn sàng đón khách, quy định về đảm bảo an toàn, dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết với khách du lịch; đồng thời tích cực xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch. Sử dụng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn và hệ thống đăng ký, khai báo an toàn COVID-19 của Tổng cục Du lịch để kết nối với hệ thống an toàn COVID quốc gia.
Đối với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội du lịch các địa phương cần có kế hoạch triển khai chương trình phục hồi du lịch nội địa. Khuyến khích các doanh nghiệp thành viên xây dựng chính sách kích cầu phục vụ khách du lịch, phối hợp với các hãng hàng không, vận tải, các bên cung ứng dịch vụ thành lập liên minh kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải du lịch cùng phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, điểm đến xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch nội địa. Thực hiện và tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn cho hành khách.
Tổng cục trưởng hy vọng, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của chính quyền các địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan, bước vào năm mới sẽ mở ra các cơ hội mới để ngành Du lịch Việt Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ và lấy lại đà tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã tuyên bố phát động Chương trình du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã nghe lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Nhai và Công ty CP quỹ đầu tư thế giới giới thiệu tiềm năng du lịch Quỳnh Nhai và ý tưởng phát triển du lịch cao cấp tại huyện Quỳnh Nhai.
Tại phần thảo luận, các đại biểu tham dự hội nghị đã nghe Sở VHTTDL Sơn La trình bày Giải pháp thích ứng linh hoạt an toàn với dịch COVID-19; xây dựng sản phẩm độc đáo; liên kết quảng bá sản phẩm; điểm du lịch an toàn; Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội trình bày giải pháp liên kết Tour du lịch từ vùng xanh lên Sơn La an toàn; VCCI trình bày giải pháp cải thiện môi trường... Các đại biểu tham dự hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về các giải pháp giúp Sơn La nhanh chóng phục hồi du lịch trong bối cảnh mới. Lãnh đạo các đơn vị của Tổng cục Dụ lịch đã có những góp ý cụ thể cho địa phương trong công tác xúc tiến quảng bá, quản lý lữ hành, quy hoạch phát triển du lịch.
Hội nghị thu hút sự tham gia của 120 đại biểu đến từ Tổng cục Du lịch, đoàn FAM do Tổng cục Du lịch tổ chức, CLB lữ hành UNESCO Hà Nội; Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La; đại diện UBND, các phòng ban, doanh nghiệp du lịch huyện Quỳnh Nhai và các đơn vị truyền thông của Trung ương và địa phương.
Trước đó, trong 2 ngày 26-27/12 đoàn FAM của Tổng cục Du lịch đã tổ chức khảo sát khu vực biển hồ Quỳnh Nhai, Mường La.
Tác giả: Trung tâm Thông tin du lịch
Nguồn tin: vietnamtourism.gov.vn
Bài viết liên quan
Ngày 15/12/2021 UNESCO vinh danh Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vào chiều 15/12/2021.
ĐẦU NĂM NHÌN NGẮM HOA ANH ĐÀO MỘC CHÂU NỞ
Những ngày Tết dương lịch lạnh giá, những sắc hồng của nàng Hoa anh đào khoe sắc trên Cao nguyên Mộc Châu, dường như đang báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Hãy cùng mocchautourism.com nhìn ngắm...
Tỉnh Sơn La đẩy mạnh kích cầu du lịch dịp cuối năm
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng du khách đến với tỉnh Sơn La năm nay chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch đề ra. Chuyển sang giai đoạn bình thường mới, Sơn La đang tích cực triển khai các hoạt động...
TẾT MÔNG MỘC CHÂU VÀ KINH NGHIỆM ĂN TẾT CỦA BÀ CON
Tết cổ truyền người Mông Mộc Châu, hay còn được biết đến với tên gọi tết Mông Mộc Châu, là một nét văn hóa cực kỳ đặc sắc đặc sắc. Hàng năm cứ đến tháng chạp 12 âm lịch là bà con người Mông ở Mộc...
MỘC CHÂU MÙA HOA CẢI VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM DÀNH CHO BẠN
Trung tuần tháng 12 đến với Cao nguyên vẻ đẹp kiều diễm của những ngọn đồi hoa Cải trắng muốt khiến Mộc Châu tựa xứ sở thần tiên đẹp dịu dàng, đằm thắm, quyến rũ, lãng mạn và đầy diệu kỳ. Hối...
Chỉ với 900k chúng mình đi khắp mùa hoa Mộc Châu dịp cuối năm.
Chỉ với khoảng 900.000 đồng, Trang Phạm cùng người bạn thân đã có chuyến vi vu Mộc Châu 3 ngày 2 đêm ngắm cải trắng, dã quỳ, hoa mận nở sớm…
LẠC BƯỚC GIỮA VƯỜN HỒNG MỘC CHÂU ĐẦY MỘNG MƠ – DU LỊCH MỘC CHÂU THÁNG 12.
Cao nguyên Mộc Châu tháng 12 không chỉ có những cánh đồng hoa cải trắng muốt, những khóm hoa Dã quỳ, trạng nguyên chữ tình khoe sắc bên đường. Đến với Mộc Châu mùa đầu đông này bạn còn được thỏa...
Trầm trồ trước những sản vật Mộc Châu “quen mà lạ”
Không chỉ được thiên nhiên ưu ái với cảnh sắc hùng vĩ cùng bề dày văn hóa, Tây Bắc còn sở hữu kho tàng đặc sản khiến bất cứ du khách nào cũng mong muốn được thưởng thức.
Giới thiệu điểm đến
Dịch vụ
Bài viết xem nhiều
- Tân hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2023 và lượng sữa kỷ lục
- Công ty cổ phần du lịch Pha Luông – Du lịch sinh thái, kế thừa văn hoá và sự bền vững
- Những bản du lịch cộng đồng đẹp mộng mơ của Mộc Châu và Vân Hồ
- Hướng dẫn bình chọn Mộc Châu đạt giải thưởng "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới" năm 2023