TH khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ - Sơn La
Ngày 20/9/2020, tại huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), Tập đoàn TH phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.
Nhà máy là điểm nhấn quan trọng trong hành trình TH dẫn dắt, đưa nông dân đi theo chuỗi sản xuất khép kín, bắt đầu từ khâu nguyên liệu, cùng nông dân làm kinh tế dưới tán rừng, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức, phát huy nguồn gen quý của các cây bản địa để sản xuất các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng, phát triển nông nghiệp bền vững tại Sơn La và vùng Tây Bắc.
Phát biểu tại buổi Lễ khánh thành nhà máy, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá, việc xuất hiện nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới tại Việt Nam là một bước đột phá trong nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Sơn La.
“Với định hướng liên kết với nông dân qua Hợp tác xã mà Tập đoàn TH và chị Thái Hương đã vạch ra cho Nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ, tôi tin tưởng đây sẽ là mô hình Hợp tác xã kiểu mới, chủ động ứng dụng công nghệ cao khi người nông dân được tập hợp lại, cùng tự nguyện liên kết sản xuất, để không còn ai “bị bỏ lại phía sau”, trong xu thế công nghệ hóa, mà trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị, được doanh nghiệp dẫn dắt, đưa ra kế hoạch sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Sơn La, Nhà máy đi vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa lớn thúc đẩy các cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn với chế biến; đồng thời, Nhà máy là hạt nhân để gây dựng tiếp các vùng trồng hoa quả đặc sản, đưa thương hiệu hoa quả của tỉnh Sơn La vươn xa hơn nữa.
Tại buổi Lễ, lãnh đạo tỉnh Sơn La cam kết sẽ đồng hành cùng Tập đoàn và Công ty, sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu an toàn bền vững, đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho nhà máy; kết nối xây dựng chuỗi, cung ứng nguyên liệu gắn với chế biến giữa các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà máy. Đáp ứng công suất chế biến của nhà máy giai đoạn 1 và giai đoạn tiếp theo. Hỗ trợ nhà máy kết nối xây dựng chuỗi, cung ứng nguyên liệu gắn với chế biến của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà máy.
Bà Thái Hương – Nhà Sáng lập Tập Đoàn TH khẳng định: Với nỗ lực của chúng tôi, một khi đã vượt qua được những khó khăn và thành công như Dự án ở Nghệ An, thì không có bất cứ một nơi nào trên đất nước Việt Nam hay trên thế giới mà chúng tôi không thành công về nông nghiệp công nghệ cao nữa, bởi vì khoa học quản trị, khoa học công nghệ cao chúng tôi đã nắm trọn trong tay, chúng tôi đã ký hợp đồng và đã mời những chuyên gia hàng đầu của Israel, rồi công nghệ của Đức, công nghệ của Ý, công nghệ của Tây Ban Nha, tất cả công nghệ hiện đại nhất thế giới chúng tôi đều nắm trọn.
Được khởi công từ tháng 1/2018, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đi vào sản xuất giai đoạn 1 (2020 - 2025) với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược; mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết được 15.000ha vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2 (sau năm 2025), toàn Dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000ha nguyên liệu. Trước mắt nhà máy tập trung vào chế biến các loại quả như: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn.
Để đảm bảo được yêu cầu sản xuất nước hoa quả giữ vẹn nguyên các dưỡng chất tự nhiên và thân thiện với môi trường, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ ghi dấu ấn với các điểm nhấn đặc biệt về công nghệ - đứng đầu trong ngành chế biến nông sản:
Thứ nhất, đây là nhà máy sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP. Trong đó, chế biến áp suất cao HPP là một trong những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Với kỹ thuật này, các sản phẩm sẽ được chế biến bằng áp suất cao trong thời gian ngắn thích hợp mà không dùng nhiệt, giúp lưu giữ được nhiều nhất màu sắc, hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng của rau, củ, trái cây tươi mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi chi phí đầu tư thiết bị cao mà đến nay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung vẫn còn rất ít.
Thứ hai, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến sản phẩm cam, nhãn cô đặc, trên dây chuyền hiện đại hàng đầu thế giới. Nhà máy được lắp đặt bởi Tổng thầu Rieckermann của Đức và sử dụng thiết bị do Công ty Bertuzzi của Italia sản xuất. Dây chuyền của Bertuzzi là dây chuyền thế hệ mới nhất, chế biến trái cây với tính đồng bộ và tự động hóa cao từ khâu rửa quả tự động, tách vỏ, trích ly đến cô đặc và đóng gói. Dây chuyền này cũng được ứng dụng những công nghệ mới và hiện đại nhất, có khả năng mở rộng và tích hợp để có thể chế biến nhiều loại trái cây khác như táo mèo, chanh leo, xoài, ổi, bưởi... Trong đó, Nhà máy cũng chọn sản phẩm chủ lực là chế biến cam, nhãn cô đặc - là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến dòng sản phẩm này để phân phối B2B.
Trong vòng hơn 2 tháng, với sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia của Rieckermann (Đức), Bertuzzi (Italia) và lãnh đạo Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm sạch Vân Hồ, dù gặp rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng dây chuyền đã được lắp đặt và chạy thử thành công. Sản phẩm chạy thử đã đạt được kết quả tốt theo đúng tiêu chuẩn từ mẻ sản xuất thử nghiệm đầu tiên. Các chuyên gia Đức và Italia khẳng định, với thời gian triển khai rất ngắn, đây là một trong những dự án thành công ngay từ bước đầu.
Thứ ba, đây là nhà máy có tỷ lệ thu hồi nước ép cao (lên tới 80%), tiết kiệm nhiên liệu (tối ưu hóa năng lượng, tiết kiệm điện) và là hình mẫu của kinh tế tuần hoàn. Chất thải của nhà máy là các bã trái cây đã được nghiền nát, được dẫn ra khỏi nhà máy tới nhà chứa bã bằng trục vít khép kín. Tại đây bã sẽ được phơi khô làm phân bón, chất đốt hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Quy trình này hoàn toàn khép kín, bảo vệ môi trường.
Về quy hoạch vùng nguyên liệu, Tập đoàn TH dự kiến triển khai liên kết với nông dân các vùng trồng hoa quả trọng điểm ở Sơn La như các huyện trồng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; huyện Vân Hồ (nơi đặt nhà máy); vùng trồng cam ngon nổi tiếng ở huyện Phù Yên, Yên Châu, Mộc Châu và mở rộng sang Cao Phong, Tân Lạc (Hòa Bình); Vân Hội (Trấn Yên, Yên Bái). Dự án cũng đồng hành cùng nông dân đẩy mạnh kết hợp trồng cây ăn quả và dược liệu để phát triển du lịch vùng miền tại địa phương, làm kinh tế dưới tán rừng.
Ở giai đoạn 1, Nhà máy sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy, hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận. Không chỉ phát triển kinh tế, sự xuất hiện tiên phong của một doanh nghiệp lớn và uy tín như Tập đoàn TH ở một huyện 30A, vùng cao, khó khăn của Sơn La, sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư, góp phần thực hiện bền vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nâng tầm kinh tế vùng biên giới, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Cũng trên địa bàn huyện Vân Hồ, tập đoàn TH đang tiếp tục triển khai Dự án Phát triển rau, củ, quả và dược liệu Sơn La. Dự án dự kiến trồng các loại cây ăn quả đặc sản và dược liệu với quy mô đầu tư 1.100 tỷ đồng, tạo nguồn nguyên liệu trên diện tích đất hơn 1.000 hecta.
Một số hình ảnh khác tại buổi lễ khánh thành Nhà máy.
Tập đoàn TH đang vận hành nhiều Dự án sản xuất kinh doanh trên một số lĩnh vực. Một trong những dự án nổi bật của tập đoàn TH là Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao”, sản xuất sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK. Dự án được triển khai từ tháng 10 năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Hiện Dự án có tổng đàn bò là 45.000 con tại Nghệ An (đã xác lập kỷ lục Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn nhất châu Á), dự kiến đạt tổng đàn bò chăn nuôi tập trung là 70.000 con vào năm 2021 và 200.000 con vào năm 2025. Dự án sữa hiện đang được mở rộng ra nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Phú Yên, Kon Tum, An Giang.
Sau sản phẩm sữa tươi, tập đoàn TH đã cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe như nước tinh khiết TH true WATER; sữa hạt TH true NUT; nước gạo rang TH true RICE và các dòng đồ uống sữa hoa quả và nước hoa quả. Các dòng sản phẩm của tập đoàn TH được coi là dẫn dắt thị trường đồ uống không sử dụng đường tinh luyện mà sử dụng vị ngọt tự nhiên từ quả và hạt, giúp cân bằng dinh dưỡng và phòng chống các bệnh mãn tính không lây của thế kỷ như tim mạch, tiểu đường, béo phì.
Trên lộ trình kiến tạo hệ sinh thái thực phẩm sạch, hữu cơ, tập đoàn TH tiếp tục đầu tư các dự án nông sản, dược liệu tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên. Tại Nghệ An, tập đoàn TH đã phát triển Dự án rau sạch FVF, Dự án dược liệu – sản xuất thức uống thảo dược. Mô hình phát triển thảo dược, dược liệu dưới tán rừng nhằm góp phần lưu giữ nguồn gen quý bản địa được TH tiếp tục khảo sát tại Sơn La, Hà Giang và một vài tỉnh thành khác.
Tập đoàn TH cũng đang nghiên cứu sản xuất các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo (tại Thái Bình), nước mắm, muối, nước tương, chế biến cá (Phú Yên) với mong muốn mang lại nguồn thực phẩm tươi, sạch cho gian bếp Việt.
Bài viết liên quan
Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV
Sáng nay 23/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham dự của 348 đại biểu đại diện cho hơn 86.000 đảng viên.
Thông điệp Ngày Du lịch thế giới năm 2020: "Du lịch và Phát triển Nông thôn"
BQL Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trân trọng giới thiệu Thông điệp Ngày Du lịch thế giới năm 2020 (27/9) của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ông Zurab Pololikashvili: ""Du...
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư tỉnh ủy Sơn La khóa XV
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy khóa XIV được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư tỉnh ủy khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025; Ban Thường vụ tỉnh ủy...
Hội chợ Thương mại nông sản vùng Tây Bắc - Sơn La năm 2020 diễn ra từ ngày 3-10/10
Dự kiến, quy mô Hội chợ gồm 235 gian hàng, gồm Nông sản, thực phẩm chế biến, máy móc thiết bị nông nghiệp, điện tử, viễn thông…. của hàng trăm doanh nghiệp, HTX trong khu vực Tây Bắc và tỉnh Sơn...
Khảo sát Đề án nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập lên cửa khẩu quốc tế
Vừa qua, đồng chí Phùng Thế Long, PCN Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã đến khu vực Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nhằm khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, tiềm...
Khu đô thị sinh thái kiểu mẫu Mộc Châu gần 3.400 tỷ tại Sơn La tìm chủ đầu tư
UBND tỉnh Sơn La vừa phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư năm 2020 đối với dự án khu đô thị sinh thái kiểu mẫu Mộc Châu tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện...
Tiếp tục đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid -19
Công văn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La về việc Tiếp tục đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid -19.
Đoàn khách leo núi nhặt rác trên Pha Luông và thông điệp đầy ý nghĩa.
Hành động đẹp của đoàn khách leo núi nhặt rác trên hành trình chinh phục đỉnh Pha luông Mộc Châu, đang thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng của giới trẻ, cũng như khách du lịch.
Giới thiệu điểm đến
Dịch vụ
Bài viết xem nhiều
- Tân hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2023 và lượng sữa kỷ lục
- Công ty cổ phần du lịch Pha Luông – Du lịch sinh thái, kế thừa văn hoá và sự bền vững
- Những bản du lịch cộng đồng đẹp mộng mơ của Mộc Châu và Vân Hồ
- Hướng dẫn bình chọn Mộc Châu đạt giải thưởng "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới" năm 2023