Đồng bào Mông Mộc Châu vui đón Tết Độc lập 2.9
Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 năm nay, thời tiết ở Mộc Châu trời vào thu, nắng nhẹ, không khí trong lành, mát mẻ. Có thể đó là một trong những lý do làm cho ngày vui đón Tết Độc lập của đồng bào dân tộc Mông ở đây thêm đông vui, náo nhiệt.
Có đến hàng chục ngàn người là bà con dân tộc Mông trong tỉnh Sơn La, từ các tỉnh miền núi phía Bắc, từ nước bạn Lào và bà con nhân dân các dân tộc về tham dự.
Từ nhiều năm nay, đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mộc Châu có thông lệ cứ vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 lại rủ nhau xuống thị trấn huyện vui chơi, đón Tết Độc lập.
Theo bà Giàng Khánh Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu thì “hiện tượng văn hóa” này có từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Sau năm 1975 nước nhà thống nhất cho đến nay năm nào bà con cũng kéo về trung tâm huyện lỵ vui chơi, trở thành một nhu cầu văn hóa không thể thiếu.
Trải qua thời gian, nét đẹp văn hóa ấy đã lan tỏa tới nhiều vùng đồng bào Mông sinh sống trong cả nước, thậm chí vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Thị trấn nhỏ trên cao nguyên Mộc Châu trở thành điểm đến, nơi gửi gắm tấm lòng của người Mông ơn Đảng, ơn Bác Hồ đã mang lại cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp đồng bào Mông trao đổi tình cảm, gắn kết cộng đồng, nơi trai gái tìm nhau, nên vợ nên chồng.
Lẽ tự nhiên ấy đã tìm đến được cái đích, giải quyết nhu cầu đời sống tinh thần của bà con, làm cho kỷ niệm Quốc khánh 2.9 của dân tộc thêm đặc sắc. Cho đến nay, người ta vẫn quen gọi đây là Tết Độc lập của người Mông.
Theo ông Giàng A Páo, ở xã Lóng Luông thì xưa kia người Mông chỉ có một cái Tết của tổ tiên. Tết vào dịp cuối năm dương lịch, trước Tết Nguyên Đán khoảng một tháng.
Ngày nay người Mông Mộc Châu “lựa chọn” thêm cho mình một cái Tết nữa, cùng chia vui với nhân dân cả nước đón Tết Độc lập 2.9.
Nếu Tết truyền thống tổ tiên người Mông gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng, cộng đồng bản hoặc giữa bản này với bản kia thì Tết Độc lập 2.9 phạm vi rộng hơn, liên kết cộng đồng người Mông giữa các vùng miền, đó là dịp trai gái, già trẻ gặp nhau.
Nhu cầu ăn uống, sinh hoạt thường ngày không còn quan trọng bằng bà con được mặc quần áo, váy đẹp, được cởi mở tấm lòng và giao lưu tình cảm.
Ông Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng phòng văn hóa huyện Mộc Châu, cho biết: Bắt đầu từ ngày 28.8 cho đến ngày 2.9 liên tục diễn ra nhiều hoạt động: Hội chợ thương mại, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tung còn, tó má lẹ, đánh tu lu, ném pa pao, giã bánh dày, trò chơi rồng ấp trứng, triển lãm tranh ảnh.
Đêm ngày 1-9, tại sân vận động huyện Mộc Châu đã diễn ra chương trình nghệ thuật quần chúng, với chủ đề “Vầng sáng” và bắn pháo hoa tầm thấp.
Toàn bộ chương trình ngày hội văn hóa đã được tuyên truyền, thông báo đến các bản từ nhiều ngày trước nên đã thu hút được sự quan tâm, háo hức của mọi người, nhất là giới trẻ.
Trên đường phố chính, nhất là khu chợ Mộc Châu dòng người kéo dài hàng cây số. Đông vui nhất thường diễn ra vào tối ngày 31-8 và ngày 1-9.
Dường như cả đêm bà con không ngủ, họ đi dọc các con phố, từ cửa hàng này sang cửa hiệu khác, họ mời nhau uống rượu, ăn phở, chụp ảnh.
Những năm gần đây một số bà con người Mông bên Lào Cai, Yên Bái ngoài đi chơi còn mang theo các sản vật, trang phục, nhất là váy Mông sang trao đổi, mua bán tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, với đủ các loại trang phục nhiều dân tộc anh em. Chính vì vậy, ngày hội văn hóa dân tộc Mông ở đây đã thu hút sự quan tâm của những người yêu nhiếp ảnh.
Năm nay, chúng tôi thấy có rất đông các nghệ sĩ nhiếp ảnh từ CLB Gia Định, Hội nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, các chi hội nhiếp ảnh của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, phóng viên báo chí về đây “săn ảnh”.
Gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Tiến, nguyên Tổng biên tập báo Bắc Giang, năm nay ngoài 70 tuổi vẫn hăng say tìm đến cao nguyên Mộc Châu.
Nhà báo Phạm Lự, phóng viên ảnh của tạp chí văn hóa thì mong ước đến đây có được những bức chân thực nhất về đời sống văn hóa của đồng bào Mông, nhưng tỏ ra luyến tiếc rằng, nét đẹp của ngày hội văn hóa Mông bây giờ không còn được như thủa ban đầu…
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, gọi nôm na là Tết Độc lập của đồng bào Mông Mộc Châu ban đầu tự phát, nay đã thành thông lệ hàng năm. Rõ ràng cái được lớn nhất là niềm vui, hạnh phúc của bà con các dân tộc, nét đẹp trong văn hóa dân tộc Mông đang được phát huy, bảo tồn và tôn vinh.
Nhưng cũng còn những băn khoăn, trăn trở trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông. Những ý kiến khác nhau của người làm công tác nghiên cứu, quản lý văn hóa, lý lẽ của các cấp chính quyền là điều dễ hiểu, rất cần được lựa chọn, tiếp thu. Mục tiêu cuối cùng là làm cho ngày văn hóa dân tộc Mông lan tỏa được những giá trị đích thực, trở thành điểm đến lý thú nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc.
Một số hình ảnh Tết Độc lập của người Mông:
Bà con các dân tộc tham gia vui Tết Độc lập 2.9 tại huyện Mộc Châu |
Biểu diễn thổi khèn |
Thi kéo co |
Thi nấu ăn |
Giã bánh dầy |
Hai bà mẹ người Mông |
Trai gái Mông bên thác Dải Yếm - Mộc Châu |
Tết là nơi các đôi trai gái tìm đến nhau |
Bài viết liên quan
Tết Độc lập trên cao nguyên
Hàng năm, cứ gần đến ngày Quốc khánh 2/9, người Mông ở khắp vùng Tây bắc lại nô nức đổ về thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La để được hòa mình vào không khí của một trong những ngày hội lớn...
TÌM VỀ CHỢ TÌNH MỘC CHÂU
Thường thường khi nhắc đến “chợ tình”, người ta sẽ hình dung ngay đến chợ tình Sa Pa – một thị trấn trong sương, hay chợ tình Khau Vai – nằm trên cao nguyên đá điệp trùng tai mèo sắc nhọn. Tuy...
Đồng bào Mộc Châu vui Tết Độc lập
Theo phong tục của tổ tiên, đồng bào Mông ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La chỉ ăn Tết một lần vào dịp cuối năm, nhưng kể từ những năm 50 của thế kỷ trước, đồng bào nơi đây đã có thêm một cái Tết mới - đó...
Lên Mộc Châu đón tết cùng đồng bào Mông
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Quốc khánh 2/9, cộng đồng các dân tộc trên khắp dải rừng Tây Bắc lại nô nức đổ về cao nguyên Mộc Châu, Sơn La để tham dự một trong những lễ hội lớn nhất trong năm -...
Ngủ qua đêm ở vỉa hè chờ đón Tết Độc lập
Mỗi dịp 2-9 hàng năm, bà con người Hmong khắp nơi trong cả nước lại đổ về Mộc Châu để vui chơi, cùng nhau đón tết độc lập, cùng đi chợ tìm bạn, gặp bạn. Và trong những chuyến đi ấy, họ chẳng bao...
Lạ kỳ phong tục đón tết của người Thái Mộc Châu
Về với Mộc Châu (Sơn La) dù mới cuối đông, nhưng dường như sắc xuân đã "gõ cửa" miền đất thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Đến nơi đây, du khách không những được thỏa mình với hoa xuân và sương phủ,...
Người Mông Mộc Châu ăn tết
Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ở Mộc Châu ăn tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Tết của người Mông thường diễn ra trong 10 ngày nhưng trước đó cả...
Phong cách chơi tết của người Mông bản Tà Phình
Như thường lệ, cứ đến cuối tháng 11 âm lịch người Mông khắp nơi lại tưng bừng đón tết. Có ăn tết, chơi tết cùng bà con mới thấy nhiều điều thú vị. Dưới đây là vài khoảnh khắc ghi được khi cùng...