Tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
Những đặc trưng chính
Nhìn chung so với các địa phương lân cận trong khu vực, về tiềm năng và nguồn lực phát triển du lịch, Mộc Châu có những lợi thế so sánh vượt trội, đó là
* Điều kiện khí hậu lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng
Khí hậu là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Ở Việt Nam các khu vực có điều kiện khí hậu ôn hòa, mát mẻ như Sa pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Bà Nà (Đà Nẵng), Ba Vì (Hà Nội)… đều được người Pháp lựa chọn để phát triển thành các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng từ xưa.
Mộc Châu nằm ở độ cao trung bình hơn 1.000 m cùng với lượng mưa tương đối lớn (hơn 1.500 mm/năm) lại nằm giữa sông Đà ở phía đông bắc và sông Mã ở phía Tây nam có tác dụng như hai hệ thống điều hòa không khí tự nhiên làm cho nhiệt độ trung bình hàng năm của Mộc Châu là 18,50 0C thấp hơn so với các khu vực lân cận như Thành phố Sơn La (21,10 0C), Hòa Bình (23,00 0C), Điện Biên (23,00 0C). So với các khu vực như Sa pa, Tam Đảo, Bà Nà, Đà Lạt… Mộc Châu không hề thua kém về điều kiện khí hậu.
Với điều kiện nêu trên, có thể nói Mộc Châu so với các khu vực lân cận trong hành lang Tây Bắc theo quốc lộ 6 (bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên) là nơi có điều kiện lý tưởng nhất về mặt khí hậu để phát triển du lịch nghỉ dưỡng với nền nhiệt độ thấp, khí hậu trong lành, mát mẻ, lượng mưa dồi dào… Điều này có thể coi như một trong những lợi thế lớn của Mộc Châu trong việc hình thành các khu nghỉ dưỡng, du lịch.
* Sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc thiểu số
Một trong những tài nguyên du lịch lớn nhất của Mộc Châu đó là sự đa dạng về bản sắc văn hóa với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa mang những đặc trưng độc đáo riêng được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống tạo ra những nét hấp dẫn khách du lịch như Các phong tục tập quán; Lễ hội truyền thống; kho tàng văn hóa dân gian (văn học truyền khẩu, kiến trúc, trang phục…); nghệ thuật biểu diễn (các điệu múa dân gian, các loại nhạc cụ…). Nghề thủ công truyền thống; Sản vật và văn hóa ẩm thực…
Những giá trị này đều có thể khai thác phát triển thành các thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
* Hình ảnh điểm đến đã hình thành và nổi tiếng
Đối với du lịch Việt Nam, Mộc Châu từ lâu đã được biết đến như một điểm đến nổi bật ở khu vực miền núi Tây Bắc với những đặc trưng độc đáo bao gồm các yếu tố chính:
- "Cao nguyên" - hình ảnh một cao nguyên với khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ, say đắm lòng người với những đồi chè, đồng cỏ xanh ngát rộng quá tầm mắt, những vườn mận hoa trắng, những ngọn núi hùng vĩ, bốn mùa mây phủ, những bản làng ẩn hiện trong sương sớm, những thửa ruộng bậc thang…
- "Chè" - loại cây đặc trưng của cao nguyên Mộc Châu. Không chỉ là một loại cây trồng đặc sản, "Chè" còn là sự kết tinh của truyền thống văn hóa nông nghiệp ở Mộc Châu và được coi là một trong những đặc sản quý nhất của cao nguyên Mộc Châu. Ngoài ra cảnh quan đồi chè cũng là một nét đặc trưng của Mộc Châu và là điều kiện thuận lợi để phát triển các tour du lịch sinh thái nông nghiệp.
- "Bò sữa" - loài vật nuôi phổ biến nhất ở Mộc Châu, cùng với "Chè" từ lâu đã trở thành biểu tượng của cao nguyên Mộc Châu.
* Vị trí địa lý thuận lợi trong hành lang Tây Bắc
Về vị trí địa lý, có thể coi Mộc Châu là cửa ngõ nối khu vực miền núi Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6. Trong không gian phát triển du lịch khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ, Mộc Châu là một trong những khu du lịch Quốc gia quan trọng nhất trong hành lang Tây Bắc theo quốc lộ 6.
* Sản vật phong phú từ thiên nhiên và rừng núi phong phú đa dạng và có khả năng phát triển thành các sản phẩm du lịch
Điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành ở Mộc Châu đã tạo ra nhiều loại sản vật có giá trị
- Sữa: là sản phẩm nông nghiệp cũng được coi là đặc sản của Mộc Châu. Sữa Mộc Châu có chất lượng tốt và có thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, các sản phẩm từ sữa còn đơn điệu, chưa đa dạng. Đặc biệt các trang trại nuôi bò sữa ở Mộc Châu hoàn toàn có thể phát triển thành các điểm tham quan du lịch.
- Chè: là loại cây công nghiệp được coi là đặc sản của Mộc Châu, hiện tại ở Mộc Châu chè đã được chế biến thành các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Mộc Châu, trong đó chè Mộc Châu đã được xuất khẩu sang Đài Loan và các nước khác trên thế giới. Trên thế giới, một số khu vực có những sản vật thiên nhiên nổi tiếng đều có các sản phẩm du lịch ăn theo như du lịch rượu vang (wine tourism) ở khu vực Địa trung hải, du lịch cà phê ở khu vực Nam Mỹ… . Ngoài ra hệ thống các đồi chè ở Mộc Châu cũng có thể tạo thành những nét độc đáo về cảnh quan đối với khách du lịch.
- Ngô là loại cây màu phổ biến ở Mộc Châu do điều kiện địa hình, khí hậu. Đây có thể coi là loại cây trồng chiến lược của đồng bào dân tộc ở Mộc Châu, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống của nhân dân đặc biệt các dân tộc thiểu số. Nếu được khai thác những nương ngô xanh mướt cùng với những sản phẩm chế biến từ ngô sẽ trở thành những nét độc đáo của du lịch Mộc Châu.
- Các sản phẩm nông nghiệp khác như cây ăn quả nhiệt đới, ôn đới, hoa, cá tầm, cá hồi… vừa là những sản phẩm phục vụ trực tiếp nhu cầu ăn uống, lưu niệm của khách du lịch đồng thời những cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như trang trại hoa, trang trại cây ăn quả, trang trại nuôi cá… đều là những điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách.
- Các sản vật từ rừng núi như thuốc nam, mật ong, măng rừng… cũng là những sản vật có thể tạo thành các sản phẩm ẩm thực cũng như hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch.
* Các điểm tài nguyên du lịch chính
- Động Sơn Mộc Hương: Nằm sát ngay trung tâm huyện lỵ, đi theo tuyến đường tương đối cheo leo qua những vườn mận, vườn mơ sẽ tới cửa động. Từ cửa động có thể quan sát cả thị trấn Mộc Châu. Bên trong động là những cấu trúc nhũ đá, tạo cho người xem cảm giác như lạc vào thế giới thần tiên.
- Rừng thông Bản Áng: Thuộc xã Đông Sang là khu đồi thông già có quan cảnh đẹp trên những đồi bát úp thấp. Nơi đây rất gần thị trấn, đường giao thông thuận tiện nên rất thích hợp cho loại hình cắm trại, picnic.
- Thác "Dải Yếm": Thuộc xã Mường Sang, với hai thác đổ xuống với chiều cao 100 m, một bên được chia làm 9 tầng, bên còn lại 5 tầng. Hai thác nằm cách nhau khoảng 200 m, nhưng trong khoảng cách đó là một bãi đất phẳng rất thuận tiện cho việc tập kết của khách thăm quan. Từ thác "Dải Yếm"được nối với đồi thông bằng một lối mòn, do vậy giữa đồi thông và thác nước sẽ tạo thành một tour du lịch.
- Đỉnh Pha Luông: Cách Mộc Châu 15km về phía Đông có đỉnh Pha Luông với độ cao 1.500m, trên đỉnh có một khu đất bằng phẳng rộng gần 10 ha rất thích hợp cho việc xây dựng một khu du lịch đặc biệt.
- Sông Đà: Từ Mộc Châu xuống thẳng cảng sông Vạn Yên, nơi xuất phát tuyến du lịch sông Đà, đi du thuyền khách du lịch được tham quan nhiều cảnh đẹp trên tuyến này, tuyến này có thể kéo dài đến thuỷ điện Sơn La hoặc xuôi xuống thủy điện Hoà Bình.
- Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha: Cách Mộc Châu khoảng 40 km về phía nam , nơi đây có nhiều rừng nguyên sinh và nhiều thú quý hiếm như hổ, gấu... là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
- Hệ thống suối nước khoáng: Hệ thống suối nước nóng của Mộc Châu có khả năng hình thành các điểm du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh hấp dẫn với cảnh quan đẹp, văn hóa thiểu số và nguồn nước khoáng nóng, các suối nước khoáng có khả năng khai thác phục vụ du lịch bao gồm: suối nước khoáng bản Phụ Mẫu; suối nước khoáng Bản Bó; suối nước khoáng Hua Păng
- Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa và cách mạng như Đồn Mộc Lỵ huyện Mộc Châu; Bia lưu niệm Đoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (tại xã Đông Sang); Di tích lịch sử nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Mộc Châu tại tiểu khu 13 thị trấn Mộc Châu (khu Bảo Tàng huyện); di tích lịch sử đoàn 52 Tây Tiến - Tiểu khu 12 thị trấn Mộc Châu; di tích lịch sử Bia căm thù khu 64, Km 70, khu ngã 3 quốc lộ 6 đi xã Lóng Sập; di tích chùa Vạt Hồng- bản Vặt xã Mường Xang (chỉ còn dấu tích); đền Hang Miếng xã Quang Minh;
- Hệ thống di chỉ khảo cổ học khu vực ven Sông Đà như hang Quan Tài cổ ven sông Đà, hoá thạch động vật ở khu vực xã Chiềng Yên, dấu tích khắc trên đá của khu vực xã Xuân Nha... cần được tiếp tục nghiên cứu, phát hiện và bảo tồn làm phong phú thêm nền văn hoá truyền thống bản địa.
- Các bản làng văn hóa dân tộc với cảnh quan, môi trường sống còn lưu giữ được nét sinh hoạt, văn hoá truyền thống, có thể khai thác để tạo thành những sản phẩm du lịch có giá trị như: bản Phụ Mẫu, Co Hào, Nà Bai, Lóng Luông, Suối Lìn, Bản Áng, Tà Phình, Nậm Khao, Cà Đạc, bản Nà Coóng...
- Cửa khẩu Lóng Sập có khả năng kết nối thuận tiện Mộc Châu với Sầm nưa (Xamneua) và xa hơn là Luông Pha Băng (Luang Prabang) kinh đô cũ của Lào. Hiện nay đoạn Mộc Châu - Lóng Sập được mở rộng và nâng cấp thành quốc lộ (quốc lộ 43). Đây là điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha và kết nối tuyến du lịch sang Lào như thị xã Sầm Nưa (Xam Neua), khu di tích lịch sử cách mạng Viêng xây (Viengxay) và cố đô Luông Pha Băng (Luang Prabang).
* Hiện trạng phân bố tài nguyên du lịch
Tiềm năng du lịch Mộc Châu được phân bố tập trung theo 3 khu vực với những điểm mạnh và hạn chế khác nhau là Khu vực trung tâm; Khu vực phía đông và Khu vực phía nam
* Khu vực trung tâm
- Vị trí: Nằm ở trung tâm huyện gồm địa giới thị trấn Nông trường, thị trấn Mộc Châu và một số xã như Đông Sang, Phiêng Luông, Vân Hồ…
- Tiềm năng và thế mạnh chính của khu vực nằm ở vị trí trung tâm thuận lợi cho việc kết nối với các khu vực khác đồng thời thuận tiện cho việc phát triển các trung tâm dịch vụ du lịch gắn với đô thị; Hệ thống giao thông tương đối phát triển; Tài nguyên du lịch đa dạng và tập trung đặc biệt các đặc trưng nổi bật của Mộc Châu như thảo nguyên, khí hậu, cảnh quan, văn hóa dân tộc thiểu số… hầu hết tập trung ở đây;
- Hạn chế chính của khu vực do dân cư tập trung đông đồng thời là khu vực sản xuất nông nghiệp chính như chè, bò sữa, cỏ, cây ăn quả...
- Có khả năng khai thác các loại hình du lịch chính như: du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng chữa bệnh; vui chơi giải trí; thể thao; du lịch sinh thái; tham quan DTLS; du lịch cuối tuần…
* Khu vực phía đông
- Vị trí: Nằm ở phía đông huyện gồm địa giới các xã Chiềng Khoa, Mường Men, Mường Tè, Chiềng Yên, Lóng Luông…
- Tiềm năng và thế mạnh chính của khu vực nằm ở các đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số; cảnh quan rừng núi; hệ thống suối nước khoáng; cảnh quan sông Đà…
- Hạn chế chính của khu vực do hệ thống kết cấu hạ tầng kém phát triển, trình độ dân cư thấp.
- Có khả năng khai thác các loại hình du lịch chính như: du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch trên sông Đà; du lịch cuối tuần…
* Khu vực phía nam
- Vị trí: nằm ở phía Nam huyện, thuộc địa bàn các xã Lóng Sập, Xuân Nha, Chiếng Sơn
- Tiềm năng và thế mạnh chính của khu vực bao gồm Hệ sinh thái đa dạng, Cảnh quan núi rừng hùng vĩ, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha; Cửa khẩu Lóng Sập…
- Hạn chế của khu vực do hệ thống kết cấu Hạ tầng kém phát triển; Thủ tục hành chính chặt chẽ của khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha (do nằm trong vành đai biên giới); Trình độ dân trí thấp.
- Có khả năng khai thác các loại hình du lịch chính như du lịch sinh thái, du lịch thương mại cửa khẩu, du lịch cuối tuần, du lịch văn hóa sắc tộc.
* Đánh giá về tiềm năng
Thứ nhất, điều kiện khí hậu của Mộc Châu rất lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. So sanh với khu vực và cả nước, điều kiện khí hậu của Mộc Châu không hề thua kém so với các khu vực nổi bật về nghỉ dưỡng của Việt Nam như Sa Pa, Đà Lạt….
Thứ hai, sự đa dạng của bản sắc văn hóa với nhiều dân tộc cùng lịch sử văn hóa lâu đời là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, có giá trị cao.
Thứ ba, so với các khu vực có điều kiện tương đồng như Sa Pa, Đà Lạt… Mộc Châu là khu vực gần Hà Nội nhất.
Về khả năng khai thác Mộc Châu có điều kiện tương đối thuận lợi do tiềm năng du lịch có sự tập trung cao rất thuận lợi để phát triển trung tâm du lịch có vai trò động lực phát triển, là hạt nhân của Khu du lịch quốc gia.
Biên tập: Trần Tuấn
Bài viết liên quan
Quan điểm và mục tiêu phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
Phát triển du lịch Mộc Châu tập trung vào các quan điểm cơ bản sau:
Các dự án do Cty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư
Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương đang triển khai đầu tư xây dựng - Kinh doanh một số dự án tại Khu du lịch Mộc Châu:
Các dự án do Cty Phát triển Rừng bền vững làm chủ đầu tư
Công ty Phát triển Rừng bền vững đang triển khai đầu tư xây dựng - kinh doanh một số dự án tại Khu du lịch Mộc Châu
Quy hoạch chi tiết Khu du lịch Rừng thông Bản Áng
Khu du lịch Rừng thông Bản Áng nằm trên địa bàn xã Đông Sang. Đây là khu du lịch tổng hợp với quy mô vừa, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch cuối tuần và các dịch vụ khác. Hiện nay đã có...
Xây dựng Mộc Châu thành Đà Lạt thứ 2 ở Tây Bắc
Xây dựng Mộc Châu (Sơn La) trở thành khu du lịch quốc gia, là thành phố Đà Lạt thứ 2 ở Tây Bắc Việt Nam- đó là tham vọng của Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu. Nhiều nhà đầu tư du lịch và chuyên...
Thư ngỏ của BQL Khu du lịch Mộc Châu
Hiện nay, Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu có nhu cầu: 1- Thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư để kinh doanh du lịch. 2- Hợp tác cùng đầu tư thực hiện kinh doanh hạ tầng, kỹ thuật tại Khu du...
Phát triển du lịch Mộc Châu cần những giải pháp đột phá
Trải qua một hành trình gần 200 cây số, du khách sẽ đến với Mộc Châu (Sơn La), đến với vẻ đẹp quyến rũ hoang dại của vùng núi Tây Bắc, với những cánh hoa ban mỏng manh trắng muốt kiêu hãnh vươn...
Chuẩn bị khởi công khu khách sạn Resort 4 sao
Là một trong những công trình trọng điểm, điểm nhấn của Khu du lịch sinh thái Mộc Châu, khách sạn resort 4 sao sẽ được ưu tiên đầu tư triển khai sớm trong quí IV năm 2010.