Đến thăm thủy điện Sơn La tại Mường La (Sơn La), bạn cũng đừng quên bớt chút thơi gian về chơi Ngọc Chiến, xã nằm ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mặt nước biển, và có nhiều điểm hấp dẫn như khí hậu quanh năm mát mẻ, đây là nơi sinh sống định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa phong phú đa dạng, giàu lòng mến khách.
Đường vào xã Ngọc Chiến rất thơ mộng.
Ở đây còn có cánh đồng Mường Chiến trải rộng gần 345 ha gắn với thương hiệu nếp tan thơm ngào ngạt, 12.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý hiếm như pơ mu, xa mu...
Cánh đồng nếp tan Mường Chiến ngào ngạt hương.
Ngoài ra, Ngọc Chiến cũng rất nổi tiếng với quả Sơn Tra (táo mèo) với trữ lượng trên 1.000 tấn quả/năm. Và hơn thế nữa, giữa sự hoang sơ của núi rừng, được ngâm mình trong nước suối khoáng nóng quả không còn gì tuyệt với hơn.
Bản Phày, bản văn hóa xã Ngọc Chiến còn lưu giữ nét văn hóa độc
đáo lợp nhà bằng những tấm gỗ nguyên bản.
Cách Mường La 40km, phong cảnh hai bên đường đẹp như mơ với con suối trong veo, chảy lượn vòng ngay sát mép đường, lổn nhổn những hòn sỏi nhẵn bóng, lâu lâu lại bắt gặp một vài cô gái Thái đang tắm gội hoặc ngả gánh củi ngồi nghỉ bên bờ suối.
Ruộng bậc thang lên xuống như cung đàn. Xa xa, trên những ngọn núi xanh, trong nắng vàng trong veo nổi lên những con đường mòn, tựa như đường chỉ thêu mềm mại của các cô gái Thái. Nhiều khúc đường quanh co được mở ra bởi những nếp nhà sàn xinh xắn, ẩn hiện sau rặng cây trạng nguyên đang mùa nở hoa.
Nơi bến nước mỗi chiều về luôn là nơi hội tụ sau một ngày lao động về.
Khí hậu ở Ngọc Chiến có bốn mùa trong ngày, không khí trong lành, mát mẻ… Đây có lẽ là lý do để con gái Ngọc Chiến có nước da đẹp đến như vậy! Nhưng có nhiều người lại nói rằng, các cô gái ở đây đẹp vì họ đều đã từng tắm gội ở mó nước nóng chảy qua bản Lướt.
Nghề dệt và may thêu thổ cẩm được bà con đồng bào Mông
ở xã Ngọc Chiến duy trì.
Nghề đan ghế bằng cây soong mây truyền thống ở bản
Mường Chiến luôn được duy trì.
Suối nước nóng do thiên nhiên ban tặng, ào ạt chảy quanh năm, là nơi tắm gội tập trung của đồng bào trong bản. Những phòng tắm xinh xắn, dựng bằng gỗ pơmu nhưng giá dịch vụ rất mềm, chỉ 5.000đ/người, thời gian tắm không giới hạn.
Bể tắm nóng cộng đồng riêng có ở Ngọc Chiến.
Hồ nước nóng bản Lướt đang là điểm đến của du khách
Nếu khách đặt trước, sẽ được phục vụ ăn uống với những món ăn nhớ đời như: rau cải mèo, thịt gà, vịt (thịt giòn ngọt, da mỏng tang, không có chút mỡ nào), hay món cơm nếp nấu bằng loại nếp tan - dẻo thơm đặc biệt khi trồng ở Ngọc Chiến (loại nếp khi gặt hái phải ngắt từng bông chứ không cắt cả nắm như nếp thường).
Thêm vài chén rượu táo mèo do chính tay người chủ nhà tự chưng cất, chế biến giữa không gian yên tĩnh và se lạnh… thì nhận xét của ai đó là cảm giác như được “tu tiên” cũng không sai!
Những ngôi nhà Pơ Mu theo năm tháng, trải qua bao đời người, những miếng “ngói” Pơ Mu lâu năm ngả màu đen vẫn bền vững với thời gian, xếp đều tăm tắp trên nóc nhà. Có những mái nhà thời gian kết bụi dầy trên khe gỗ làm cho cỏ cây mọc dăng đầy.
Cây xa mu ngàn năm tuổi ở bản Nà Tấu luôn được bà con bảo vệ.
Mái ngói Pơ Mu rêu phong.
Những cây gỗ to được dùng dao chẻ ra, không phải dùng đến cưa mà vẫn cứ cho ra những tấm ván thẳng tăm tắp. Gỗ Pơ Mu không dùng cưa xẻ được, nếu xẻ thì dột từ nóc dột xuống, chỉ có bỏ đi thôi. Phải dùng dao chẻ ra thành kẽ, sau đó dùng nêm gỗ tách từng tấm gỗ theo thớ của nó, sẽ dùng được mãi mà không lo hỏng. Làm “ngói” bằng gỗ Pơ Mu cũng là một công trình rất công phu…