Đã từ lâu, cao nguyên Mộc Châu - Sơn La đã trở thành địa chỉ “phượt” ưa thích của giới trẻ khắp mọi miền đất nước cũng như khách du lịch nước ngoài. Nằm trên trục quốc lộ 6 và 43 là thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu, khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa, rất thuận lợi cho du khách khám phá, nghỉ dưỡng... Mộc Châu mùa nào cũng đẹp như tranh vẽ, đẹp một cách lạ thường, ẩn hiện sau màn sương mờ giăng khắp chốn là màu xanh tràn ngập của cỏ dại, của những cánh đồng chè và rừng mận, đào, điểm xuyết những vạt dã quỳ vàng rực rỡ, những mảng màu trắng, màu vàng tinh khôi của những vườn cải...
Đến với Sơn La, du khách sẽ không chỉ được ngắm nhìn một vùng núi non hùng vĩ mà còn được khám phá giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, cuốn hút trong vòng xòe, ngây ngất say trong men rượu cần, cùng thả hồn theo ánh lửa bập bùng và giọng hát ngọt ngào, vang xa trong đêm hội nhạc rừng.Từ Sơn Mộc Hương (còn gọi là Hang Dơi Mộc Châu) - cái tên đã trở nên quen thuộc từ lâu với nhiều du khách khi đến thăm Mộc Châu - một tác phẩm nghệ thuật, một danh thắng quốc gia mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất cao nguyên Mộc Châu đến đỉnh Phiêng Luông với độ cao 1.500 m, trên đỉnh có một khu đất bằng phẳng rộng gần 10 ha rất thích hợp cho những môn thể thao như đi ngựa, đi bộ hoặc leo núi…, dường như thiên nhiên đã quá ưu ái khi ban cho địa phương này những danh thắng đặc sắc mà không nhiều nơi có được. Cùng với những danh thắng nổi tiếng, Sơn La còn được biết đến bởi những nét văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc của 12 dân tộc anh em bao gồm: Hoa, Lào, Kháng, La Ha, Khơ Mú, Tày, Xinh Mun, Dao, Kinh, Mường, Mông, Thái. Có thể thấy rất rõ sự đa dạng của văn hóa Sơn La qua hàng loạt nét văn hóa rất đặc trưng của 12 dân tộc. Ví như người Hoa thích hát “sơn ca” (san cưa), gồm các chủ đề phong phú như tình yêu trai gái, cuộc sống, quê hương, tinh thần đấu tranh… Ca kịch cũng là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật được đồng bào Hoa ưa chuộng. Vào ngày lễ, tết, người Hoa thường biểu diễn múa sư tử, múa quyền thuật. Lễ hội cũng là dịp tổ chức chơi đu, chơi xích đu, đua thuyền, vật, đánh cờ... Khác với người Hoa, người Tày có một nền văn nghệ cổ truyền phong phú với đủ các thể loại thơ, ca, múa, nhạc… Tục ngữ, ca dao cũng chiếm một khối lượng đáng kể. Các điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượng, hát đám cưới, hát ru con… Người Tày mến khách, dễ làm quen, cởi mở và thích nói chuyện. Còn riêng vùng đất của đồng bào Mường lại hấp dẫn với nhiều lễ hội quanh năm như hội xuống đồng (khung mùa), hội cầu mưa (tháng 4), lễ rửa lá lúa (tháng 7-8 âm lịch), lễ cơm mới… Kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường cũng khá phong phú với các thể loại thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân gian, ví đúm, tục ngữ… Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đó, hát trẻ con chơi… Và cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường. Có lẽ nói đến văn hóa Sơn La, không thể không nhắc đến những lễ hội truyền thống - nơi những nét văn hóa được kết tinh đậm nét và sâu sắc nhất, trong đó phải kể đến Tết Độc lập của đồng bào dân tộc Mông - huyện Mộc Châu. Đã từ lâu, vào dịp 2/9 - Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng bào dân tộc Mông tổ chức một lễ hội gọi là Tết Độc lập. Chuyện kể rằng: Trước Cách mạng tháng Tám có đôi trai gái người Mông yêu nhau say đắm, nhưng vì chế độ thực dân phong kiến hà khắc, họ không lấy được nhau. Nhờ có Đảng, Bác Hồ, cuộc sống của nhân dân được đổi thay, được làm chủ vận mệnh của mình, được học hành, vui chơi. Đôi trai gái ngày ấy giờ đã thành ông, thành bà gặp được nhau trong ngày hội Tết Độc lập 2/9. Họ mừng lắm, kể cho nhau nghe những đổi thay ở bản làng mình, hẹn năm nào cũng gặp nhau trong ngày hội Tết độc lập 2/9. Cho đến ngày hội năm ấy, bà vẫn ngồi nơi mà họ thường hẹn. Hội đã tan, song bạn của bà chẳng thấy đến. Cuối cùng, một cô gái đến trao cho bà một chiếc vòng bạc và nói, trước khi nhắm mắt ông có dặn lại con cháu dịp ngày hội mang kỷ vật này tặng bà rồi đón bà về thăm gia đình ông. Từ đó trở đi, đồng bào Mông còn quan niệm Tết Độc lập 2/9 là ngày sum họp, đoàn tụ. Đây là một nét đẹp văn hóa có một không hai của vùng đất núi rừng Tây Bắc.
Có thể thiên nhiên không ưu ái ban tặng cho Sơn La những cánh đồng màu mỡ thẳng cánh cò bay, tuy nhiên, vùng đất núi rừng rộng lớn ấy lại mang đến cho Sơn La những thắng cảnh, những nét văn hóa đặc sắc phong phú mà không nơi nào có được. Có lẽ những điều đó đã níu chân du khách, khiến du khách cứ đến, cứ yêu, đi rồi quay trở lại vùng thảo nguyên trải dài đến mênh mông bất tận này./.
Kim Thu - ven.vn