Hội thi thuyết minh viên du lịch Mộc Châu năm 2016 (thể lệ)
Thực hiện Kế hoạch số 1041/KH-UBND ngày 08/7/2016 của UBND huyện Mộc Châu về việc tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2016;
Căn cứ Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 12/7/2016 của UBND huyện Mộc Châu về việc thành lập Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2016;
Ban tổ chức ban hành thể lệ Hội thi Thuyết minh viên du lịch và trình diễn trang phục dân tộc như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG
1. Thi thuyết minh viên du lịch Mộc Châu
* Đối tượng: Là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giáo viên, học sinh đang công tác và học tập tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
* Lưu ý: Các xã Đông Sang, Mường Sang, Tân Lập, thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu; Các Khách sạn Sao Xanh, Mường Thanh, Thảo Nguyên, Hương sen; Các Công ty CP du lịch Công Đoàn Mộc Châu, CP Giống bò sữa Mộc Châu, CP Vinatea Mộc Châu, CP Chè Cờ Đỏ, CP Hoa nhiệt đới, CP du lịch Pha Luông, CP Du lịch Nông nghiệp ARENA; Doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương, Các Trường THPT Chiềng Sơn, Tân Lập, Thảo Nguyên, Mộc Lỵ, mỗi đơn vị tối thiểu có 01 thí sinh tham gia.
- Các nhà nghỉ, nhà hàng và cá nhân khác đăng ký tham gia tại Phòng Văn hóa &Thông tin (không hạn chế về số lượng).
* Tiêu chuẩn: Có ngoại hình cân đối, có khả năng thuyết trình.
2. Thi trình diễn trang phục dân tộc
* Đối tượng: UBND các xã, thị trấn mỗi đơn vị cử 01 cặp thí sinh tham dự (đại diện dân tộc đặc trưng của xã mình); Các trường THPT mỗi trường cử 05 cặp thí sinh tham dự; Trường PTDT Nội trú cử 03 cặp thí sinh; Các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp số lượng không hạn chế.
* Tiêu chuẩn: Có ngoại hình ưa nhìn, sức khỏe tốt, thí sinh nam cao từ 1m65 trở lên, nữ từ 1m55 trở lên, trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC
1. Thi thuyết minh viên du lịch Mộc Châu
1.1. Nội dung: Thi thuyết minh các chủ đề: di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; nét đẹp thanh lịch con người Mộc Châu; các nét văn hóa độc đáo: trang phục, ẩm thực, văn hóa văn nghệ, không gian nhà ở, nghề truyền thống...; các sản phẩm du lịch tiêu biểu: chè, sữa, rau, hoa, thủ công mỹ nghệ, quy trình chăm sóc và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
* Phần thi thuyết minh
- Thí sinh tham gia sẽ thuyết minh về 01 chủ đề tự chọn hoặc ban tổ chức đưa ra, thuyết trình một cách ngắn gọn, xúc tích, đầy đủ thông tin có sức truyền cảm. Thuyết minh trực tiếp bằng lời, có sử dụng video clip, ảnh minh họa để làm sinh động bài thuyết trình (Ban tổ chức sẽ chuẩn bị máy tính, máy chiếu phục vụ thuyết trình).
- Trong phần thuyết minh, thí sinh có thể lồng ghép với hát, đọc thơ hoặc kể chuyện vui có liên quan làm tăng sức hấp dấn, lôi cuốn người nghe (khuyến khích các hình thức thuyết trình sáng tạo, độc đáo).
- Thời gian tối đa cho phần thuyết minh là 10 phút.
* Phần thi xử lý tình huống
- Ngay sau khi kết thúc phần thuyết minh, thí sinh phải trả lời 1 câu hỏi tình huống hoặc nghiệp vụ thuyết minh do ban giám khảo đặt câu hỏi (theo hình thức bốc thăm).
- Thời gian chuẩn bị không quá 01 phút và thời gian trả lời tối đa là 05 phút.
1.2. Hình thức
- Tất cả các thí sinh đều phải trải qua vòng sơ khảo với nội dung thi theo quy định, Ban Giám khảo chọn ra 06 thí sinh xuất sắc nhất vào thi vòng chung kết để trao giải thưởng nhất, nhì, ba và các giải phụ.
- Hội thi thuyết minh viên giỏi được tổ chức thành 02 vòng (vòng sơ khảo, chung kết):
+ Sơ khảo: Các thí sinh tự chọn 01 chủ đề để thuyết minh, thời gian không quá 10 phút. Bốc thăm câu hỏi về nghiệp vụ thuyết minh, hướng dẫn, kiến thức chung về kinh tế, xã hội, văn hóa, địa lý, lịch sử của huyện
+ Chung kết: Sau phần thi sơ khảo mỗi thí sinh sẽ bốc thăm và chuẩn bị trước 02 chủ đề do Ban Giám khảo đưa ra, đêm chung kết Ban giám khảo sẽ tiến hành bốc thăm lựa chọn 01 chủ đề (trong số 02 chủ đề đã được chuẩn bị) để thuyết minh. (Bài thuyết minh có hình ảnh minh họa do thí sinh tự chuẩn bị trên phần mềm Power Point dạng slide ảnh); và bốc thăm xử lý câu hỏi tình huống.
2. Thi trình diễn trang phục dân tộc
2.1. Nội dung:
+ Thi trình diễn trang phục dân tộc nguyên bản (02 phút)
+ Thi trình diễn trang phục dân tộc cải biên nâng cao (02 phút)
Lưu ý: Trong quá trình thí sinh trình diễn phải có lời giới thiệu ngắn gọn, xúc tích, đặc tả được ý nghĩa, vẻ đẹp của bộ trang phục đang trình diễn. Không được trình diễn các trang phục hiện đại như: váy đầm, váy cưới. Các thí sinh trình diễn trang phục có thể dùng thêm các phụ kiện như khăn, túi, đồ trang sức, dụng cụ lao động sản xuất…
+ Thi năng khiếu: Các cặp thí sinh có thể tự chọn một trong những phần thi năng khiếu như: Ca, múa, tấu nhạc, thời gian từ 03 - 05 phút.
2.2. Hình thức
- Các cặp thí sinh phải tham gia thi vòng sơ khảo, BTC sẽ lựa chọn 06 cặp thí sinh vào vòng chung kết.
- Các cặp thí sinh vào chung kết sẽ thể hiện 2 phần thi (thi trình diễn trang phục dân tộc và thi năng khiếu như vòng sơ khảo).
IV. QUY ĐỊNH VỀ CHẤM ĐIỂM VÀ CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
1. Quy định về chấm điểm
1.1. Thi thuyết minh viên du lịch (100 điểm)
- Đối với thí sinh thi vòng sơ khảo: Phần thuyết minh: 80 điểm; Phần trả lời câu hỏi về nghiệp vụ thuyết minh, kiến thức chung về kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử của địa phương: 20 điểm.
- Đối với thí sinh thi vòng Chung kết: Thang điểm tối đa cho thí sinh dự thi là 100 điểm, trong đó:
+ Phần thi thuyết minh: 60 điểm (trong đó phần thuyết minh tối đa 45 điểm, có video clip hoặc hình ảnh minh họa tối đa 15 điểm).
+ Phần thi xử lý tình huống tối đa: 15 điểm.
+ Điểm trang phục và phong cách ứng xử tối đa: 10 điểm.
+ Điểm cho ý tưởng sáng tạo của thí sinh trong thuyết minh và xử lý tình huống tối đa 15 điểm.
1.2. Thi trình diễn trang phục dân tộc (300 điểm)
- Đối với phần thi trang phục nguyên bản (100 điểm):
+ Bài giới thiệu ngắn gọn, xúc tích, đặc tả được ý nghĩa, vẻ đẹp của bộ trang phục đang trình diễn: 20 điểm.
+ Trình diễn trang phục tự nhiên, tươi tắn, thể hiện nét đẹp độc đáo của bộ trang phục dân tộc: 30 điểm.
+ Bộ trang phục đẹp, vừa với thân hình, dáng đi nhẹ nhàng uyển chuyển, trình diễn trang phục độc đáo: 50 điểm.
* Lưu ý: Các đoàn có thể tự đọc lời giới thiệu về bộ trang phục của đoàn mình trình diễn hoặc nộp cho người dẫn chương trình để giới thiệu.
- Đối với phần thi trang phục cải biên nâng cao (100 điểm): Cách chấm điểm của phần thi này như phần trình diễn trang phục nguyên bản.
- Đối với phần thi năng khiếu (100 điểm): Các cặp thí sinh có thể ca, múa, tấu nhạc cụ với chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm đôi lứa…
+ Ca : (Tổng cộng 100 điểm)
- Đúng chủ đề: 10 điểm.
- Chất giọng truyền cảm: 30 điểm.
- Hát đúng lời, đúng nhạc: 30 điểm.
- Trang phục gọn gàng, đẹp, phù hợp với nội dung bài hát: 10 điểm.
- Tự tin, làm chủ sân khấu: 05 điểm.
- Tự biên có hiệu quả: 05 điểm.
- Hát có múa phụ họa: 10 điểm.
Lưu ý: (Các tiết mục hát bằng tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông nộp trước cho ban tổ chức trước khi biểu diễn).
+ Múa: (Tổng cộng 100 điểm)
- Trang phục đẹp, hợp nội dung điệu múa: 10 điểm.
- Múa đều, đúng nhạc, các động tác thuần thục, phong phú đúng bản sắc dân tộc của điệu múa: 30 điểm.
- Các tuyến múa hài hoà, sáng tạo, sinh động: 30 điểm.
- Múa tự tin, làm chủ sân khấu: 20 điểm.
- Tự biên có hiệu quả: 10 điểm.
Lưu ý: Các thí sinh có thể nhờ diễn viên của đoàn mình cùng thể hiện điệu múa
+ Tấu nhạc cụ dân tộc (Tổng cộng 100 điểm)
- Trang phục đẹp hợp nội dung: 10 điểm.
- Tấu không vấp, không phô, sử dụng nhạc cụ thuần thục, truyền cảm, đúng nhạc: 60 điểm.
- Đúng chủ đề: 10 điểm.
- Tự tin, làm chủ sân khấu: 05 điểm.
- Tự biên có hiệu quả: 05 điểm.
- Sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc: 10 điểm.
1.3. Quy định chung:
- Điểm trừ: Các phần thi Quá từ 1-2 phút trừ 01 điểm, quá từ 3 - 5 phút trừ 2 điểm, quá từ 6 phút trở lên (mỗi phút trừ 01 điểm)
- Kết quả cuối cùng lấy điểm bình quân của các giám khảo cuộc thi.
- Các thành viên Ban giám khảo chấm điểm độc lập, công bằng, vô tư khách quan cho mỗi phần thi của từng thí sinh theo biểu điểm của Ban tổ chức (Điểm chênh lệch giữa các thành viên ban giám khảo không quá 10% số điểm cho các tiêu chí, nội dung). Tổ thư ký tổng hợp điểm cho các phần thi trung thực, khách quan theo đúng trình tự quy định.
2. Cơ cấu giải thưởng
2.1. Thi thuyết minh viên
- 01 giải nhất (kèm theo tiền thưởng, hoa và Giấy chứng nhận của BTC).
- 02 giải nhì (kèm theo tiền thưởng, hoa và Giấy chứng nhận của BTC);
- 03 giải ba (kèm theo tiền thưởng, hoa và Giấy chứng nhận của BTC);
- 02 giải phụ: Giải cho thí sinh chuẩn bị bài tốt nhất; giải cho thí sinh xử lý tình huống hay nhất.
2.2. Trình diễn trang phục dân tộc
- 01 giải nhất (kèm theo tiền thưởng, hoa và Giấy chứng nhận của BTC).
- 01 giải nhì (kèm theo tiền thưởng, hoa và Giấy chứng nhận của BTC);
- 01 giải ba (kèm theo tiền thưởng, hoa và Giấy chứng nhận của BTC);
- 01 giải khuyến khích (kèm theo tiền thưởng, hoa và Giấy chứng nhận của BTC);
- 03 giải phụ: Cặp thí sinh trẻ nhất, cặp thí sinh trình diễn ăn ý nhất, cặp thí sinh có phần thi năng khiếu mang đậm bản sắc dân tộc nhất.
V. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
1. Vòng Sơ khảo:
- Nhận đăng ký dự thi (theo mẫu gửi kèm) chậm nhất đến ngày 20/8/2016. Mẫu đăng ký thi thuyêt minh viên du lịch Mộc Châu
- Địa điểm nhận đăng ký dự thi: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện.
- Tổ chức thi sơ khảo: Thời gian 03 ngày, từ 7h30’ ngày 21/8/2016 đến hết ngày 23/8/2016; địa điểm: Tại Nhà Văn hóa huyện.
2. Vòng Chung khảo:
- Tổ chức thi chung khảo: Từ 19h30’, ngày 31/8/2016, tại Nhà Văn hóa huyện.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Các đơn vị tham gia dự thi thực hiện đúng quy chế và sự điều hành của Ban Tổ chức.
- Không thuê mượn thuyết minh viên, hướng dẫn viên của các doanh nghiệp ngoài tỉnh.
- Chỉ Ban tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu mới được sửa đổi, bổ sung Thể lệ hội thi.
- Mọi ý kiến, thông tin chi tiết về Hội thi đề nghị liên hệ với cơ quan thường trực của Ban tổ chức (Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, điện thoại: 0223.866.040)./.
Bài viết liên quan
Chương trình "Sắc màu Vân Hồ" sẽ diễn ra từ 27-28/8/2016
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 71 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2016), UBND huyện Vân Hồ sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao...
Chợ ẩm thực Tây Bắc: Vui tết Độc lập, tập nập chợ Mường Thanh
Hưởng ứng Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2016, Khách sạn Mường Thanh Mộc Châu tổ chức chợ ẩm thực từ ngày 31/8/2016 - 2/9/2016.
Tư vấn du lịch Mộc Châu dịp nghỉ lễ 2-9
2-9 hàng năm lượng khách đến Mộc Châu rất đông bởi đây cũng là cơ hội để du khách trong và ngoài nước đến Mộc Châu và tận hưởng không khí trong lành mát mẻ, hòa cùng không khí sôi động,vui vẻ tại...
Lễ hội khinh khí cầu Mộc Châu dịp 2/9/2016
Sau nhiều lần thử nghiệm, dịp 2-9 năm nay, tại Mộc Châu sẽ chính thức có dịch vụ bay trên Khinh khí cầu với chương trình lễ hội sôi động, hấp dẫn
Kế hoạch tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2016
BQL Khu du lịch quốc gia Mộc Châu giới thiệu kế hoạch tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2016 như sau:
Phát triển du lịch Mộc Châu: Hiệu quả từ đổi mới tư duy và cách làm
Giai đoạn 2010-2015, doanh thu từ hoạt động du lịch Mộc Châu tăng bình quân 54,3%/năm và riêng 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách du lịch khoảng 377 nghìn người, doanh thu cán mốc 241,9 tỷ đồng....
Đồng chí Bí thư tỉnh ủy Sơn La làm việc tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
Trong 2 ngày (25 và 26-6), đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đã thăm và làm việc tại huyện Mộc Châu về công tác thu hút đầu tư vào Khu du...
Thêm sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Mộc Châu
Mùa hè, khi đến Mộc Châu du khách được trải nghiệm thú vị khi tham gia hái bơ, hái chè, thưởng thức chè Ô long, chăm sóc rau an toàn