Thăm Cần Thơ nhớ thủy điện Sông Đà
Buổi tối, mỗi người chọn cho mình một cách khám phá Ninh Kiều: những người thích lãng mạn theo phong cách sôi nổi chọn cách lên du thuyền 3 ngắm dòng Hậu Giang thơ mộng về đêm, với bên bờ sông rực rỡ ánh đèn, ăn tối và hát trên du thuyền; có người thích lãng mạn nhẹ nhàng lại chọn lang thang dọc bờ sông quanh công viên của bến Ninh Kiều: ngắm, chụp ảnh bên tượng Bác Hồ, tạt ra bến sông xem người dân bắt cá.
Sáng sớm, cả đoàn hào hứng lên thuyền máy đuôi tôm đi chợ nổi. Anh HDV hồ hởi cho biết cũng như những chợ nổi khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, chợ được hình thành để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa khi đường bộ chưa có cầu và các phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển. Rồi thành quen, bây giờ chợ ở trên đất liền cũng lớn và sầm uất lắm, lại nằm ngay ven sông, nhưng chợ nổi vẫn tấp nập thuyền bè quãng từ 6 giờ đến 9 giờ sáng, chợ chuyên bán, trao đổi các loại hoa quả được chuyển từ các miệt vườn về.
Giữa ban mai trong lành, mặt trời ló dần xua màn sương đem theo làn gió đêm se lạnh; vầng sáng màu hồng dần lan rộng đem đến hương vị phù sa cùng cảnh sinh hoạt tấp nập, khẩn trương của người dân trên thuyền và hai bên bờ sông.
Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, sang tận Campuchia và Trung Quốc. Các thuyền lớn nhỏ tấp nập người mua bán. Trên các thuyền lớn, người ta giao dịch bán hoa quả. Các thuyền nhỏ vây quanh, người bán buôn cho các thuyền lớn, kẻ bán lẻ cho khách du lịch. Cả đoàn nhảy lên một chiếc thuyền bán xoài, chị chủ hàng đon đả mời chào, gọt quả cho ăn miễn phí. Chị cười hiền từ: “Quý người ngoài bắc vô đây!”.
Có điều lạ, ở đây người ta không rao bán, cũng không cắm biển quảng cáo trên thuyền. Dấu hiệu nhận biết thứ hàng hóa mà thuyền buôn chính là thứ sản vật được treo trên cây sào cắm ở mũi mỗi chiếc thuyền (cây beọ) cho biết thuyền chủ nhân đang bán mặt hàng gì. Riêng những chiếc ghe nhỏ bán thức ăn sáng, cà phê thậm chí cả đồ nhậu len lỏi trong chợ, phục vụ nhu cầu của người thương hồ thì không cắm gì cả, họ chạy quanh quanh các thuyền mời hoặc chờ người có nhu cầu gọi lại. Đôi lúc những chiếc ghe ấy không gắn máy mà được chèo bằng tay trông khá thơ mộng. Chỉ tốn khoảng 5.000 - 10.000 đồng cho một bát cháo lòng hoặc hủ tiếu, chỉ 10.000 đồng/ cốc cà phê, có thể chất lượng không được bằng trên đất liền, nhưng cũng khá thú vị khi thong dong trên sông và nhấm nháp ly cà phê đậm đặc.
Trở về sau những phút giây ngắn ngủi lênh đênh ngắm hoa trái, cảm giác thích thú xen lẫn chút lưu luyến, yêu cảnh sông nước, mến những con người thân thiện, hiếu khách, thèm được sống một ngày bận rộn mà thanh thản như một người nông dân trên thuyền… Và rồi, chợt nhớ về vùng sóng nước sông Đà mênh mông của quê hương.
Cũng như sông Cửu Long, dòng sông Đà đã đi vào huyền thoại, vào những vần thơ, những trang hồi ký... Sông Đà cũng mênh mông, cũng có cái mộng mơ, song lại có thêm cái chất dữ tợn của thác ghềnh mùa mưa lũ quá khứ. Ngày nay, Sông Đà đã được ngăn để làm thủy điện, thác ghềnh không còn, những vùng lòng hồ mênh mông sóng nước đã xuất hiện. Dẫu vậy, cuộc sống lênh đênh của cư dân ven sông cũng vẫn sôi động không kém miền Tây. Ai đến bến đò bên chân cầu Pá Uôn mới bắc qua sông sẽ thấy ở đây thuyền bè tấp nập đánh cá, bắt tôm, trao đổi hàng hóa... tối đến đèn điện sáng rực như phố thị. Dòng sông khi tích nước cho thủy điện lững lờ trôi, xanh trong như màu ngọc bích. Hai bên bờ sông, bên hữu những dãy núi cao vách đứng đá vôi cây cối la đà cổ quái, sương khói la đà; bên tả những vòm đồi nhấp nhô um tùm cây cỏ ôm lấy những vịnh nhỏ đầy cá. Cả không gian vẽ lên một bức tranh thủy mặc yên bình.
Thả hồn mộng mơ thế, để thấy quê mình có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn không kém so với Cần Thơ, thậm chí còn có nhiều nét khác biệt. Nếu là một khách du lịch, tôi sẽ chọn cho mình trước nhất một chuyến tàu đi dọc bờ sông, đến đập Thủy Điện Sơn La thăm nhà máy, tiện thể ghé thăm Nhà trưng bày thủy điện Sơn La để thăm quan những cổ vật của lòng hồ khi xưa, tìm hiểu cuộc sống của người dân trước khi cả vùng đất này trở thành lòng hồ… Trên đường về có thể tạt lên một hòn đảo bất kỳ sống thử một khoảnh khắc cuộc sống của một ông chúa đảo: xuống sông đánh bắt tôm, cá, chế biến thức ăn… Buổi tối, sau khi thưởng thức các đặc sản của bà con dân tộc Thái, có thể tham gia giao lưu văn nghệ với người dân bản, hoặc đi thăm thú “phố thuyền về đêm”, thú vị nhất là lên một chiếc thuyền, cùng chủ thuyền đi câu tôm, kéo cá…
Với một chuyến đi dài 2-3 ngày, có thể thực hiện được điều đó. Nhưng, hiện tại, các công ty lữ hành khi đưa khách đến Sơn La chủ yếu dừng chân ở một số địa điểm truyền thống: thăm nhà tù Sơn La, tắm suối nước nóng Hua La, tối thưởng thức đặc sản và giao lưu văn nghệ. Chính những gì là truyền thống ấy đang có dấu hiệu nhàm chán và cũng chỉ giữ chân khách được một ngày. Bởi thế, nếu phát huy được tiềm năng của thủy điện Sơn La, có thể giữ khách ở lại thêm một ngày nữa, đồng thời tạo thêm một điểm nhấn khác biệt: Trải nghiệm, khám phá vùng hồ. Sau một ngày ở Sơn La, buổi sáng khách vào thăm nhà máy Thủy điện Sơn La, thăm bảo tàng của thủy điện, sau đó lên cano đi ngắm cảnh lòng hồ, khám phá cuộc sống lòng hồ, lên Cà Nàng, Mường Chiên…
Mở ra một hướng đi mới như vậy, để chúng ta có thêm niềm tin và sức mạnh để biến vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành một điểm đến thú vị với khách du lịch trong tương lai không xa.
Tác giả: admin
Nguồn tin: BQL khu du lich Moc Chau
Bài viết liên quan
Độc đáo Hội thi hoa hậu bò sữa 2012
Có một cuộc thi hoa hậu, mà thí sinh có chồng, có chửa, có sữa, thậm chí vừa mới sinh ra hôm qua đều được tham gia để giành danh hiệu. Tại Mộc Châu, những ngày này, Hội thi hoa hậu bò sữa 2012...
Cao nguyên mùa hoa tam giác mạch
Mộc Châu chưa đến mùa hoa cải, thời gian này khách du lịch đang hướng về một nơi có loài hoa bé li ti trắng phơn phớt hồng đặc trưng của vùng Đông Bắc (Hà Giang): Hoa tam giác mạch
Hội An vào top 10 thành phố du lịch tốt nhất châu Á
Tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler (Mỹ) vừa công bố kết quả bình chọn các điểm đến nổi tiếng thế giới năm 2012 và phố cổ Hội An là một trong 10 thành phố du lịch tốt nhất châu Á do độc...
Xây dựng thương hiệu du lịch 8 tỉnh Tây Bắc
Nhằm mở đầu cho chương trình marketing giới thiệu, quảng bá nét đặc trưng du lịch của vùng Tây Bắc, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và...
Hội thi hoa hậu bò sữa 2012 sẽ diễn ra vào ngày 14,15-10
Từ ngày 14-15 tháng 10-2012 tại sân vận động thị trấn Nông trường Mộc Châu sẽ diễn ra Hội thi Hoa hậu bò sữa 2012 do công ty Cổ phần Giống bò sữa mộc Châu tổ chức.
Tasvis và BQL khu du lịch Mộc Châu tặng học bổng trường THCS Mộc Lỵ
Vừa qua, Chi đoàn BQL khu du lịch Mộc Châu đã phối hợp và giúp đỡ Công ty Cổ phần Tasvis tổ chức chương trình du lịch kết hợp làm từ thiện trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại Mộc Châu.
Sơn La tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITE-2012
Từ ngày 12.9 đến 15.9, Tổng Cục du lịch Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT&DL TPHCM đã tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM năm 2012 (ITE HCMC 2012) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.
Làm “homestay” khó hay dễ?
Dịch vụ “homestay” đang nở rộ tại hầu khắp các tuyến điểm du lịch trọng điểm trên cả nước. Nhưng theo các chuyên gia, đa số dịch vụ này hiện nay chỉ có thể gọi là “housestay”.