Cầu Pá Uôn xác lập kỷ lục cây cầu cao nhất Việt Nam
Trong số 10 cây cầu giữ kỷ lục nhất Việt Nam, cầu Pá Uôn vinh dự được xướng danh bởi công trình xếp vào cấp đặc biệt do kết cấu trụ cao nhất, bắc qua dòng sông Đà, có tổng vốn đầu tư gần 740 tỷ đồng và được ví như dải lụa trắng vắt ngang dòng nước biếc nối đôi bờ nâng bước du khách bộ hành trên lòng hồ thủy điện Sơn La với sức chứa khổng lồ hàng tỷ mét khối nước. Sau đặc sản táo mèo thuộc “Tốp 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam” được công nhận tháng 8 năm 2012, Sơn La có thêm cầu Pá Uôn chính thức được ghi danh vào sách kỷ lục Việt Nam “Cầu Pá Uôn - Cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam” tại Quyết định số 1607/KLVN/2014 ngày 22/11/214 của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Từ Mộc Châu đến với Cầu Pá Uôn, du khách sẽ di chuyển thêm khoảng 180km nữa: đường đi có thể dừng chân thăm: Nhà tù Sơn La, văn bia Quế Lâm ngự chế, tắm suối nước nóng tại Bản Mòng. Từ Cầu Pá Uôn, đường có thể di chuyển sang Yên Bái, Lào Cai rất gần
Cầu Pá Uôn nằm trên địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai bắc qua dòng Đà giang hùng vĩ, tại Km 250+143,59m, Quốc lộ 279, cầu được khởi công xây dựng tháng 5 năm 2007 và thông xe vào tháng 9-2010. Cầu có quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với tổng chiều dài 1.418m, trong đó phần cầu chính dài 918m; đường dẫn 2 đầu cầu dài 500m. Chiều rộng toàn cầu là 9m, phần xe chạy rộng 8m. Cầu gồm 2 mố và 11 trụ, trong đó trụ chính của cầu cao tới 98,6m. Chiều cao toàn cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m. Do địa điểm xây cầu nằm trong vùng động đất cấp 8-9 nên kết cấu thân trụ cầu Pá Uôn đã được tính toán kĩ chịu được động đất mạnh cấp 9. Đây là cây cầu do đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, công nhân của ngành cầu đường Việt Nam tự thiết kế và thi công.
Cầu Pá Uôn hoàn thành, đưa vào sử dụng như một món quà ân tình dành cho người dân Tây Bắc - những người sống bên bờ sông Đà đã hi sinh nhà cửa, ruộng vườn cho thủy điện Sơn La. Đồng thời, có vị trí rất quan trọng trong tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn La với các tỉnh vùng Tây Bắc như: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai... nằm trong dự án các tuyến quốc lộ tránh ngập sau khi Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trong khu vực.
Sớm bình minh, đứng trên cầu Pá Uôn thư thái ngắm cảnh núi non, sông nước mới cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nơi đây. Mặt trời le lói những tia sáng huyền ảo sau những dãy núi, mặt hồ ví như một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động. Nước, núi và con người hòa quyện, hiện ra trong nắng ban mai. Đôi bờ sông những dãy núi hùng vĩ nối tiếp nhau xanh đậm, in bóng xuống dòng sông; trên mặt hồ những chiếc thuyền chở khách nhẹ nhàng lướt sóng…Và nữa, từng tốp thuyền của bà con vùng hồ quăng chài, thả lưới đánh bắt tôm, cá. Cũng từ cầu Pá Uôn, du khách xuống thuyền ngược dòng Đà giang chừng 2 km, thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp đôi bờ sông với những dãy núi đá vôi sừng sững cao ngất, in bóng xuống mặt hồ, được ví như một “Tiểu Hạ Long” trên núi và thưởng thức món cá sông chính hiệu. Chỉ vậy thôi, du khách cũng đã cảm thấy cái không khí mát lạnh, trong lành với một không gian rộng lớn của đất trời Tây Bắc… Khi hoàng hôn dần buông, đứng trên cầu nhìn xuống dòng Đà giang lững lờ trôi, từng đợt sóng nước sô nhẹ lăn tăn, long lanh như rát bạc, tô thêm những nét vẽ đẹp cho bức tranh hùng vĩ miền Tây Bắc.
Hiện nay, cầu Pá Uôn không chỉ tạo huyết mạch giao thông thuận lợi cho các tỉnh vùng Tây Bắc mà còn là điểm nhấn cảnh quan, là điểm đến của các tour du lịch, thu hút sự chú ý của người dân cùng du khách trong và ngoài nước, tạo đà phát triển ngành du lịch cho Sơn La nói riêng và cho cả vùng núi Tây Bắc nói chung. Hàng năm, mỗi dịp xuân về nơi đây diễn ra lễ hội đua thuyền, lễ hội gội đầu. Đây là lễ hội có nguồn gốc từ xa xưa của đồng bào dân tộc Thái, huyện Quỳnh Nhai, lễ hội làm sống lại những ký ức của người dân sống bên dòng sông Đà năm xưa.
NGUYEN VU - Sở VH TT&DL tỉnh Sơn La
Bài viết liên quan
Hướng phát triển du lịch Sơn La và vùng Tây Bắc
Sơn La là một trong 6 tỉnh miền núi Tây Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Nhưng lượng khách đến đây còn quá ít, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh và khu vực. Vấn đề đặt...
Hấp dẫn du lịch Điện Biên
Điện Biên – mảnh đất cực Tây của Tổ quốc hứa hẹn sẽ đem đến vô vàn điều thú vị cho du khách ghé thăm, từ những di tích lịch sử hào hùng, thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, tới văn hóa phong tục đặc sắc…
Giới thiệu khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào
Những ngày này, nhân dân các dân tộc Sơn La đang sôi nổi hướng đến các hoạt động của “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017”. Trong không khí ấy, Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu...
Lễ khánh thành khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam – Lào
Vừa qua, tỉnh Sơn La tổ chức lễ khánh thành khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam – Lào tại bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La)
Chinh phục đỉnh Tà Xùa
Nằm ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, Tà Xùa là ngọn núi mà dân mê leo núi – chụp ảnh nhất định sẽ phải đến một lần trong đời. Tà Xùa được hợp lại từ ba đỉnh núi hùng vĩ, quanh năm thường được mây...
Khám phá văn bia vua Lê trên vách đá Sơn La
Trải qua 500 năm sương gió dập vùi, văn bia cổ Quế Lâm Ngự Chế - một văn bia thời Lê trên vách đá cao ngất trời vẫn còn rõ từng li, từng nét.
Hoa ban khoe sắc nơi núi rừng Tây Bắc
Những ngày tháng 3 này, khi đi theo tuyến đường Quốc lộ 6 từ huyện Mộc Châu đến huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), du khách sẽ được ngắm nhìn hoa ban nở khắp núi rừng Tây Bắc.
Ngược dòng Nậm Mu khám phá Tây Bắc
Đầu xuân, theo chân những phượt thủ khám phá những mặt hồ yên ả, khung cảnh hùng vĩ bên dòng chảy hoang sơ của dòng sông Nậm Mu giữa núi rừng Tây Bắc.
Giới thiệu điểm đến
Dịch vụ
Bài viết xem nhiều
- Tân hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2023 và lượng sữa kỷ lục
- Công ty cổ phần du lịch Pha Luông – Du lịch sinh thái, kế thừa văn hoá và sự bền vững
- Những bản du lịch cộng đồng đẹp mộng mơ của Mộc Châu và Vân Hồ
- Hướng dẫn bình chọn Mộc Châu đạt giải thưởng "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới" năm 2023